Nhức nhối tình trạng ô nhiễm ngoại thành Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các làng nghề ngoại thành Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề. Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2023 mọi làng nghề đáp ứng đầy đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

Kỳ 1: Khí độc, nước thải bủa vây

Gần trung tâm Hà Nội, các làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngoại thành có rất nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, càng phát triển, tình trạng ô nhiễm lại càng nặng nề, mất kiểm soát.

Ngạt thở vì khói độc

Theo phản ánh của bạn đọc qua đường dây nóng, chúng tôi tới xã Dương Liễu và xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) để tìm hiểu thực trạng ô nhiễm môi trường tại đây. Khi đến khu vực tập trung nhiều nhà xưởng sản xuất bánh kẹo, bao bì, nhựa nằm dọc 2 con đường Thanh Niên và Tiền Phong tại xã Dương Liễu, chúng tôi phải vội vàng đeo khẩu trang vì mùi khét lẹt của những ống khói mọc tua tủa từ các nhà xưởng.

Nhức nhối tình trạng ô nhiễm ngoại thành Hà Nội ảnh 1

Bể chất thải lộ thiên, không được xử lý của cơ sở sản xuất sắn tại xã Dương Liễu

Những đợt khói đen kịt cuồn cuộn tuôn ra giữa khu dân cư đông đúc và trường học. Có những nơi, tầng dưới là nhà xưởng, tầng trên là nhà ở, khói từ nhà xưởng bay thẳng lên nhà ở. Tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Dương Liễu và Cát Quế, những dãy nhà xưởng mái tôn khác cũng đang liên tục phả khói độc vào không khí.

Nhức nhối tình trạng ô nhiễm ngoại thành Hà Nội ảnh 2

Dòng kênh nằm cạnh trạm bơm Thụy Đức (xã Liên Hiệp, Phúc Thọ) bị ô nhiễm nặng nề bởi nước thải từ các cơ sở sản xuất sắn, vải, thép, tái chế phế liệu của xã Sài Sơn (Quốc Oai)

“Thấy độc hại vô cùng nhưng biết kêu với ai, làm gì có ai để mà kêu? Kêu với xã bao lâu nay mà chưa thấy giải quyết gì”, bà Trịnh Thị Mùi (tên nhân vật đã được thay đổi), người dân xã Cát Quế, phản ánh. Bà Mùi có hai cháu nội đều đang tuổi ăn học. Bà lo khói độc gây nên mầm mống ung thư cho cháu mình sau này.

Có những người dân dù bức xúc nhưng lại chọn cách im lặng để giữ tình làng, nghĩa xóm. “Hôm nào nhiều khói quá thì mình phải phản ánh với họ. Còn bình thường thì mình đành cố gắng thông cảm cho họ để tránh xung đột vì toàn là xóm với nhau cả”, chị Lê Thị Lan, người dân xã Dương Liễu, nói.

Ruộng lúa ngập trong nước thải

Ở hai xã Dương Liễu và Cát Quế, đặc biệt là Dương Liễu, dễ nhận thấy nhất là bể đựng chất thải lộ thiên của các nhà xưởng sản xuất bánh kẹo, bao bì. Đây là những hố chất thải được đào thủ công, được quây tạm bợ bằng tôn, lưới, bạt, gỗ… Chất thải chứa tại đây đặc quánh như đất sét, đóng bánh lại thành những tảng lớn, nước ngấm xuống đất, bên trên tỏa ra mùi chua loét.

Tại những cơ sở sản xuất thép, vải và tái chế phế liệu ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội, nằm gần trạm bơm Thụy Đức), tình trạng ô nhiễm do nước thải còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đi sâu vào trong một cơ sở sản xuất sắn, chúng tôi lại gặp những bể chất thải đen ngòm, đặc sệt không được che chắn và không có phương pháp xử lý. Bước vào trong một cơ sở tái chế phế liệu lớn, chúng tôi thấy rất nhiều vỏ chai, bao bì bị vứt bừa bãi xuống những lạch nước xung quanh, cùng những bãi rác đang đỏ lửa, bốc khói nghi ngút. Đặc biệt, những đường ống xả thải từ các cơ sở này được bắc thẳng ra con kênh nằm cạnh trạm bơm Thụy Đức (xã Liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội), khiến nước trong kênh đục ngầu, sủi bọt trắng xóa và nồng nặc mùi hôi thối. Đầu ra của con kênh này chính là sông Đáy - dòng sông đã bị ô nhiễm nặng nề nhiều năm nay.

Tới gần con kênh, chúng tôi sửng sốt khi thấy dòng nước bị ô nhiễm nặng nề đang ồng ộc chảy qua trạm bơm Thụy Đức vào thẳng ruộng lúa của người dân xã Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội). Những cánh đồng ấy ngập trong dòng nước thải trắng xóa bọt; những con kênh nhỏ chạy xung quanh cũng một màu đen kịt và bốc mùi hôi thối. Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, công nhân phụ trách vận hành trạm bơm Thụy Đức từ năm 1996 đến nay, xác nhận đây là nguồn nước tưới tiêu chính cho ruộng lúa tại khu vực này.

“Kênh bị ô nhiễm nặng do nước thải các cơ sở sản xuất sắn, sắt thép, bê tông, vải, tái chế phế liệu… bên xã Sài Sơn xả ra. Đây là nguồn duy nhất để tưới tiêu nên người dân bắt buộc phải dùng nước bẩn để tưới ruộng, không còn cách nào khác. Chúng tôi đã nhiều lần sang nhắc nhở, lập biên bản với các cơ sở sản xuất trên, nhưng vì chính quyền chưa vào cuộc nên không làm gì được họ”, chị Hải nói.

“Nước này bẩn kinh khủng, làm lúa không trổ bông được hoặc toàn hạt lép nhưng vẫn phải tưới vì không tưới thì lúa cũng chết. Vào mùa nóng, nhiều lúc kênh cạn trơ đáy, đến nước bẩn còn không có để mà tưới”, chị Nguyễn Thị Linh, một người dân đang cấy lúa nói. Trong khi đó, xã Liên Hiệp hiện là một trong những vùng được Hà Nội chọn để phát triển lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Số liệu thống kê của World Bank năm 2023 chỉ ra rằng, 2/3 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ các vùng ngoại thành, các tỉnh lân cận và nguồn tự nhiên. Vì vậy, có thể nói tình trạng ô nhiễm không khí tại khu vực ven đô đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng không khí nội đô.

MỚI - NÓNG