Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo: Thu nhập của viên chức phải đảm bảo nhu cầu cuộc sống

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo nhiều chuyên gia, ban soạn thảo luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT cần cố gắng bảo vệ quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, dự thảo Luật Nhà giáo đang đặt ra nhiều đòi hỏi cao đối với nhà giáo. Ông Minh đưa ra một số mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc, Đài Loan. Từ mô hình một số nước, tham vấn qua dự thảo Luật Nhà giáo, có thể thấy những nước có mô hình đào tạo giáo viên giống Việt Nam đều có sự tương đồng về cách thức nhưng khác biệt lớn là họ đầu tư có trọng điểm, đãi ngộ hấp dẫn. Việt Nam có đãi ngộ, nhưng hấp dẫn hay không theo ông Minh phải lắng nghe ý kiến từ giáo viên. Ông Minh khẳng định dự thảo Luật đặt ra ưu đãi đặc biệt nhưng thực tế ngành nào cũng đặc biệt, nếu các nhà soạn thảo không chỉ ra được lao động đặc thù của nghề giáo thì rất khó để cải thiện những tồn tại hiện nay. “Chúng ta có thể đào tạo, bồi dưỡng nhưng thu nhập của giáo viên không đạt được mặt bằng chung của xã hội thì những yêu cầu vẫn chỉ trên mây”, ông Minh nói.

Từ thực tế quản lí nhà nước nhà giáo, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề xuất xem xét việc phân cấp quản lí đội ngũ nhà giáo và cán bộ giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lí nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD&ĐT chủ trì quản lí nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vi toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT. Ông Bằng cũng đề nghị quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

“Mô hình quản lí nhân sự là một trong những nguyên nhân chính khiến bài toán xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lí về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Cần thay thế nó bằng mô hình quản lí nguồn nhân lực” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến

Để nghề giáo vinh quang hơn

PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề nghị Ban soạn thảo Luật Nhà giáo cần cố gắng bảo vệ quy định lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương. Luật Nhà giáo cũng phải thể hiện rõ hơn việc ngành giáo dục được quyền tự chủ về tài chính và nhân sự của giáo dục. Ngoài ra, chính nhà giáo cũng phải được trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa, ít nhất là với việc quyết định thời lượng giáo dục trong bộ môn của mình.

Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo: Thu nhập của viên chức phải đảm bảo nhu cầu cuộc sống ảnh 1

Giáo viên cả nước chờ đợi chế độ chính sách đãi ngộ được Luật hóa. Ảnh: Diệp An

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục, Bộ GD&ĐT, chia sẻ việc đưa vào dự luật quy định “lương nhà giáo cao nhất”, Ban soạn thảo cũng thể hiện mong muốn sẽ luật hóa nghị quyết của Đảng về chủ trương này. Tất nhiên, mong muốn lớn nhất, cao nhất và mục tiêu cuối cùng là lương nhà giáo phải đảm bảo đủ sống.

Nêu một số hạn chế, bất cập trong quản lí nhà nước về nhà giáo cụ thể tại địa phương dẫn tới hiện tượng thừa - thiếu cục bộ, khó khăn trong thuyên chuyển, điều động, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên…, GS.TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề xuất, cần đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo. Trong đó, thẩm quyền tuyển dụng nên phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu; trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lí giáo dục quản lí trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tuy Bộ GD&ĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lí về giáo dục nhưng lại không có quyền trong những quyết định liên quan đến hai vấn đề quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và con người. Ông Tiến phân tích, sự phân công trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trong quản lí nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lí nhân sự, phù hợp khi Nhà nước giữ vai trò vừa là người cầm lái vừa là người chèo thuyền.

Tuy nhiên, từ hơn hai chục năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lí kiến tạo, thì mô hình quản lí nhân sự như trên không còn phù hợp.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.