Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) và chế xuất Hà Nội thông tin: Hà Nội hiện có 9 KCN đang hoạt động với khoảng 160.000 lao động, trong đó mới chỉ có 3 KCN có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu sinh sống của công nhân. Đó là KCN Thăng Long (Đông Anh), KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ) và KCN Thạch Thất - Quốc Oai.
Khu NƠXH cho công nhân tại KCN Thăng Long đã quá tải |
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, phần lớn diện tích nhà ở cho công nhân tại KCN Thăng Long đã có công nhân ở, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuê cả tòa cho nhân viên ở. Một số gia đình công nhân có nhu cầu sinh hoạt riêng nên muốn mua nhà để ở lâu dài nhưng không có. Buộc họ phải thuê tại các khu nhà dân tại thôn Bầu, xã Kim Chung.
Cạnh đó, KCN Quang Minh (huyện Mê Linh) cũng không có khu nhà ở tập trung. Phần lớn công nhân hiện đang phải thuê trọ tại các khu nhà tạm bợ, lợp bằng mái tôn do người dân trong làng dựng lên cho thuê.
Khó khăn vất vả là vậy, nhưng nguồn cung các dự án NƠXH hiện đang khan hiếm, tiến độ các dự án NƠXH cũng đang rất chậm chạp. Trong 9 tháng đầu năm 2022, một số dự án NƠXH tại Hà Nội đã được triển khai như dự án NƠXH Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); UDIC Eco Tower-214 Nguyễn Xiển (huyện Thanh Trì); Dự án NƠXH tại Thượng Thanh, Phúc Lợi (quận Long Biên)... nhiều dự án đang bị chậm so với kế hoạch đề ra.
Kiến nghị xây dựng khu NƠXH tập trung
Để tăng cường quỹ đất phát triển NƠXH, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP (Nghị định 49) sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH. Một trong những điểm đáng chú ý là Nghị định 49 quy định chặt chẽ hơn đối với các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để phát triển NƠXH.
Tuy nhiên, việc đan xen nhà ở thương mại với NƠXH ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM được đánh giá là không phù hợp. Do đó, thành phố Hà Nội cũng đang kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng NƠXH cho dự án tại các khu NƠXH tập trung trên địa bàn thành phố. Như vậy, thay vì bố trí xen kẽ NƠXH trong các dự án nhà ở thương mại. Diện tích này sẽ được chuyển đổi tương đương ở các khu NƠXH tập trung trên địa bàn.
Đồng tình với đề xuất này, một doanh nghiệp đã đầu tư một số dự án nhà ở thương mại trên địa bàn cho biết, nhà thương mại và NOXH là hai phân khúc khác nhau với nhiều đặc thù riêng biệt. Đặc biệt là khi cả diện tích lớn đã xây nhà thương mại, còn 20% là khoảng vài nghìn mét xây NOXH thì khó đảm bảo được hạ tầng đồng bộ. Do đó, cần chia 2 loại hình này ra, và có cơ chế hoán đổi thành dự án NƠXH khác để đảm bảo nghĩa vụ của chủ đầu tư.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu rất lớn về NƠXH, Hà Nội đã quy hoạch 5 khu NƠXH tập trung có quy mô đất khoảng 280ha. Tháng 8/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 2 khu NƠXH dành cho người thu nhập thấp là khu NƠXH tập trung tại xã Tiên Dương và Khu NƠXH thành phố kết nối xanh - Green Link City tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh).
3 khu nhà ở còn lại là khu NƠXH tập trung tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm); khu NƠXH tập trung tại xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) và khu NƠXH tập trung tại xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết và nhiệm vụ quy hoạch chi tiết để đưa vào thực hiện trong thời gian tới.
Khi hoàn thành, 5 khu NƠXH tập trung bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn tương đương 38.000 căn hộ.
Vị này cho biết thêm, giai đoạn từ 2021 - 2030, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên phát triển quỹ nhà ở phục vụ công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp, người thu nhập thấp. “Sở Xây dựng đang rà soát quỹ đất 20% (riêng Hà Nội là 25%) cho NƠXH tại các dự án thương mại để báo cáo Thành ủy nội dung liên quan đến trách nhiệm nghĩa vụ phát triển NƠXH theo quy định”, đại diện Sở thông tin.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn. Hiện có 52 dự án triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn NƠXH. Các dự án được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội.