Giống và màu

Giống và màu
TP - Thời đi lính ở quân khu Thủ đô, có lần tôi ngạc nhiên nghe một anh bạn, hình như dân Từ Liêm, nói đến một con vật gọi là con qué. Gì? Con qué là con gì? Cả đám đồng ngũ tròn xoe mắt hỏi lại.

Anh ta chỉ đàn gà trên sân tiểu đoàn bộ: Trong đàn gà thường có một con qué, này nhé, mình ném một cái xương gà xuống đất, cả bọn gà đều thờ ơ, nhưng có một con lại xông đến mổ cái xương ấy đánh chén rất say sưa, con ấy là con qué.


Anh ta phát triển thêm: Con chó nào mà gặm xương chó, con ấy gọi là con má. 

Chà chà, gà thì phải có qué, chó thì phải có má.

Tôi đùa mà rằng: Thằng người nào ăn thịt người, thằng ấy gọi là ngợm. Người - ngợm.

Lính tráng nhiều khi có những tranh cãi bất ngờ liên quan đến phương ngữ thổ ngữ. Kiểu cãi vã con tép hay là con tôm chẳng hạn. Thành câu hát: Hà Tây gọi tép là tôm… Quê em miền Hà Tây, thường kêu bố là thầy…

Chuyện giới tính của động vật: con vật có vú thì phân ra hai giới đực và cái, con vật lông vũ thì phân ra trống và mái. Ngựa đực và ngựa cái. Hổ đực và hổ cái. Gà trống và gà mái. Bồ câu trống và bồ câu mái. Nhưng có những ngoại lệ: con vịt thuộc về bên dương thì không gọi con vịt trống, mà là con vịt đực. Những người nói giọng khàn khàn bị gọi là người có cái giọng vịt đực.

Trong truyện ngắn Sao anh không đến (1985), tôi kể chuyện một anh chàng trai lơ khoe mẽ trước đám con gái, giống như một con công xòe cái đuôi lòe loẹt phô trương quyến rũ con mái. Tác giả đặt cho anh chàng nhân vật ấy biệt danh: con công đực. Trường hợp này, chữ con công đực gây ấn tượng hơn cái danh từ chính xác là con công trống.

Với những anh chàng như thế, dân gian thường bảo: Thằng ấy chỉ biết trò đực cái. Văn cảnh này có thể dùng chữ đực cái để chỉ người. Còn thì thường khi người ta dùng những cặp khái niệm khác: nói chung chung thì gọi là nam và nữ. Trẻ trung thì gọi là trai và gái. Nhiều tuổi hơn hoặc đã trưởng thành cứng cáp, gọi là đàn ông và đàn bà.

Tiếng Việt có chữ máu và tiết. Chữ tiết phần nhiều chỉ thứ máu động vật có thể ăn được. Cắt tiết gà. Chọc tiết lợn. Món tiết canh thì người Âu - Mỹ xếp vào một trong mấy thứ thức ăn ở Đông Á khiến họ run sợ, trong đó có cả thịt chó, trứng vịt lộn. Tiếng Việt phân biệt rõ ràng, thế mà vẫn có nhà văn nhà báo viết là máu gà máu lợn. Tất nhiên có những trường hợp ngoại lệ. Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá/ Những nhiệt tình xuống quá độ âm (Chế Lan Viên). Trong tiểu thuyết Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử của Jonas Jonasson có đoạn ông thủ tướng cắt tiết gà, làm cho tiết gà văng lên be bét khắp quần áo. Phạm Hải Anh dịch đến đây và chị dùng chữ máu gà, nhiều lần. Người đọc hiểu dịch giả không dùng một từ chính xác là tiết gà, mà chủ ý dùng từ máu gà để gây ấn tượng như một vụ tàn sát.

Cũng là màu đen, nhưng con mèo đen thì gọi là mèo mun, con chó đen gọi là chó mực, con ngựa đen gọi là ngựa ô. Ô là con quạ, con chim chủ yếu có bộ lông đen. Thước là con chim khách. Ô thước là hai loài chim bắc thành chiếc cầu cho Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau: Xưa Chức Nữ chàng Ngưu từng đắng cay dãi dầu/ Chờ ô thước bắc cầu (Châu Kỳ).

Nói tiếp chuyện về màu sắc: sông Hồng, Hồng Hải, Hồng quân… Ngày trước, khi phải dịch, một số người từng chọn chữ màu hồng, trong tiếng Anh là pink. Và họ đã ngạc nhiên khi thấy đáp án là sông Đỏ, biển Đỏ, quân đỏ: Red river, Red sea, Red army. Chữ hồng ở đây là từ Hán Việt, màu đỏ. 

Cũng là màu đỏ, tiếng Việt còn có chữ đào. Sông Đào là con sông đỏ màu phù sa. Lòng đào là cái phần màu đỏ trong quả trứng, còn gọi là lòng đỏ, trứng gà chẳng hạn.

Hoa đào chính là thứ hoa có màu hồng đào. Chiếc áo màu hoa đào, nghe gợi không khí tết xứ Bắc. Màu hoa đào là màu hồng, phơn phớt, dịu nhẹ, gợi cảm giác ấm áp chứ không nóng rực. Hoa đào năm cánh, màu hồng nhạt, còn gọi là đào phai để phân biệt với bích đào là loại hoa đào xô bồ nhiều cánh lại đỏ rực lên. Ngày xưa chưa xa, tết xứ Bắc người ta chỉ chơi đào năm cánh đúng nghĩa màu hoa đào tinh tế thanh tao. Thế rồi gu tiểu thị dân thích những gì lòe loẹt chói gắt bỗng ập đến, tự dưng tràn ngập thứ hoa đào rừng rực dầy lên nhiều lớp cánh hỗn độn. 

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.