Giới trẻ 'phượt' đến những miền yêu thương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong dịp nghỉ lễ 30/4, nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng cho hành trình du lịch đến với miền biên viễn, địa đầu đất nước, căn cứ cách mạng... để trưởng thành và yêu hơn thiên nhiên đất nước, gắn bó hơn với đồng bào, tự hào hơn hai tiếng Việt Nam.

Lên miền biên viễn, địa đầu đất nước

Ngay từ những ngày đầu tháng Tư, những lời mời gọi thành lập nhóm, tuyển thành viên du lịch đã sôi nổi trên các diễn đàn có chủ đề du lịch, phượt. Đảo quanh diễn đàn Phượt S+, dễ dàng gặp những lịch trình xa gần.

Nhóm của Trần Ngọc Châm (SN 1996) đã xác định chuyến xê dịch hơn 700km từ ngày Hà Nội - Móng Cái - mũi Sa Vĩ - Bình Liêu - Hà Nội.

Theo kế hoạch, nhóm của Châm sẽ đón hoàng hôn tại mũi Sa Vĩ, chờ bình minh trên bãi Đá Đen, Trà Cổ, lên thăm cột mốc 1305, 1300 và 1297 vốn không thể bỏ qua khi đến Bình Liêu.

Những cột mốc này nằm trên cung đường tuần tra biên giới cao hơn 700m so với mặt nước biển, trong đó mốc 1305 là thử thách lớn nhất khi nằm ở đỉnh núi cao nhất và địa hình hiểm trở được mệnh danh là "sống lưng khủng long".

"Tôi yêu thích xê dịch, khám phá những vùng đất mới, thiêng liêng của Tổ quốc. Vi vu trên những con đường khúc khuỷu , thả hồn vào đồng lúa, cánh rừng già hay ngồi bên những cột mốc biên giới luôn mang đến cảm giác bình yên, cảm nhận rõ hơn chủ quyền đất nước và tự hào thêm hai tiếng Việt Nam", Trần Ngọc Châm nói.

Châm đang làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội, thích du lịch khám phá những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cô cho biết từng mặc áo cờ đỏ sao vàng xúc động khi chạm tay lên đỉnh Fansipang (Lào Cai), đỉnh Pu Ta Leng (Lai Châu), cột mốc số 0 A Pa Chải (Điện Biên) hay mốc Km0 ở Cao Bằng, Hà Giang...

"Tôi đã đến nhiều địa danh khu vực phía Bắc. Từ lâu ấp ủ đặt chân đến nơi đặt nét bút đầu tiên của rải đất chữ S là mũi Sa Vỹ - điểm cực Đông Bắc trên đất liền, ngắm biển Trà Cổ. Được trải nghiệm một Bình Liêu mùa không cỏ lau, thăm những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc...", Châm bộc bạch.

Giới trẻ 'phượt' đến những miền yêu thương ảnh 1

Ngọc Châm từng đến nhiều địa danh của đất nước. Ảnh: NVCC

Còn nhóm của Nguyễn Thùy Văn (SN 1991, Hà Nội) lại lên lịch trình khám phá non nước Cao Bằng bằng xe máy. Trong bốn ngày, hành trình thăm nhiều địa danh văn hóa lịch sử có thác Bác Giốc, suối Le-nin, hang Pác Bó, đèo Mã Phục, động Mường Ngao, núi Thủng sông Quan Sơn...

Hành trình có nguyên một buổi dạo thuyền ngắm cảnh và chèo thuyền Kayak trên hồ Ba Bể. Đây là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất khu vực miền Bắc, nằm ở độ cao 150m so với mực nước biển và bao bọc bởi những dãy núi có tuổi đời hàng trăm triệu năm.

"Chuyến đi là dịp để chúng tôi tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vỹ, tuyệt đẹp và những di tích cách mạng ở Cao Bằng".

Đi để khám phá và trưởng thành

Dịp nghỉ lễ này, Hành trình du khảo "Nối vòng tay lớn" do CLB Quốc tế Thanh niên - IYC Việt Nam (trực thuộc Hội LHTN Việt Nam TP Hồ Chí Minh) tổ chức thu hút gần 30 bạn trẻ tham gia. Ngoài thành viên câu lạc bộ, còn có các bạn trẻ là học tập, đi làm trên địa bàn TPHCM và địa phương lân cận. Đoàn du khảo di chuyển bằng xe máy từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu - Ninh Thuận - Lâm Đồng - TPHCM.

Giới trẻ 'phượt' đến những miền yêu thương ảnh 2

Hành trình du khảo tặng áo ấm cho trẻ em vùng cao Thừa Thiên - Huế năm 2020. Ảnh: NVCC

Chị Phạm Huỳnh Anh Khuê - Phó Chủ nhiệm CLB Quốc tế Thanh niên cho biết, đây là năm thứ tư, hành trình du khảo được tổ chức. Du khảo là hoạt động đến một hoặc nhiều địa phương, kết hợp tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những đặc trưng về văn hóa – xã hội, kiến thức lịch sử, địa lý của từng địa phương đó. Ngoài ra, kết hợp thực hiện một số hoạt động công tác xã hội.

Giới trẻ 'phượt' đến những miền yêu thương ảnh 3

Mỗi năm hành trình đều gắn các hoạt động tìm hiểu văn hóa - lịch sử và công tác xã hội. Trong ảnh là chương trình năm 2020 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: NVCC

Năm nay, hành trình du khảo nhằm kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 46 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Hành trình sẽ đến Khu căn cứ Núi Dinh là nơi từng nuôi giấu cán bộ Đoàn đầu tiên của TP Sài Gòn - Gia Định, tham gia hoạt động cách mạng, tiếp sức cho quân giải phóng. "Chúng tôi chọn nơi này làm điểm dừng chân đầu tiên để các bạn trẻ tìm hiểu và biết hơn về lịch sử của Thành Đoàn TPHCM trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ", chị Khuê nói.

Bên cạnh đó, hành trình có các hoạt động tại tỉnh Ninh Thuận như cắm trại và khám phá, trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên ở Mũi Dinh, Bảo Lộc; tổ chức thăm tặng quà các hộ nghèo đồng bào dân tộc Raglay, tặng học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi tại huyện Bác Ái.

Theo chị Khuê, CLB đang trao đổi với Huyện Đoàn Bác Ái tổ chức thăm, tặng quà các hộ nghèo đồng bào dân tộc Raglay. Đồng thời, trao tặng 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá một triệu đồng) cho học sinh nghèo vượt khó học tốt. Tiền học bổng được trích từ quỹ của CLB được quyên góp hàng năm từ nhiều hoạt động thu kinh phí, như tổ chức thi thử TOEIC - IELTS có thu phí...

"Mỗi năm hành trình đều có những hoạt động, nội dung mới. Một trong những điểm nhấn của hành trình năm nay là thăm, ở lại nhà của đồng bào dân tộc Raglay ở huyện Bác Ái. Hoạt động này vừa giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm hiểu, cảm nhận đời sống văn hóa của người dân nơi đây; cũng như tạo sự hòa đồng, thấu hiểu để phát huy tinh thần xung kích tình nguyện và giáo dục tinh thần tương thân tương ái", chị Khuê chia sẻ.


MỚI - NÓNG