Khó hình dung kiến thức
Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho rằng, lâu nay giáo viên đã thực hiện dạy tích hợp kiến thức nhiều lĩnh vực trong một môn học chứ chưa thể hình dung tích hợp liên môn. Cô lấy ví dụ, đang học về tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, giáo viên phải giảng bối cảnh lịch sử ra đời tác phẩm là năm 1941 để hiểu tác giả đã phản ánh hiện tượng xã hội sinh động thời kỳ đó. Hay như, khi học về một trận đánh Bạch Đằng ở môn Lịch sử thì giáo viên phải mô tả vị trí địa lý diễn ra trận đánh đó ra sao, thủy triều lên xuống thế nào. Như vậy, trong phần giảng môn Văn có kiến thức Lịch sử, trong Lịch sử có kiến thức địa lý, thiên văn.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai ông Nguyễn Trường Giang cũng khẳng định: “Bộ GD&ĐT khá lạc quan khi cho rằng giáo viên Vật lý có thể dạy được kiến thức Hóa học”. Theo ông Giang, lâu nay giáo viên chỉ dạy tích hợp những phần kiến thức tự bản thân nó đã tích hợp lẫn nhau. “Còn tích hợp liên môn là điều khó khả thi”, ông Giang nói.
Không thể có giáo viên đa môn
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, năm 2018 Bộ GD&ĐT quyết liệt đổi mới dạy và học, giáo viên không chỉ lồng ghép chủ đề, kiến thức liên quan vào một môn học nữa mà chương trình mới sẽ thiết kế nhiều môn học với nhau. Cụ thể, kiến thức các môn Văn, Sử, Địa sẽ có chung trong môn Khoa học xã hội. Kiến thức Lịch sử, giáo dục công dân, An ninh quốc phòng sẽ tích hợp trong môn Công dân với Tổ quốc. Kiến thức Lý, Hóa, Sinh có trong môn Khoa học tự nhiên. Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, dự kiến năm 2018 áp dụng chương trình mới, ngoài một phần sinh viên sư phạm được đào tạo mới, lực lượng chính đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy chủ yếu dựa vào số lượng giáo viên hiện nay. Bộ sẽ tập huấn giảng dạy tích hợp, trong đó chú trọng phương pháp còn kiến thức đa số giáo viên đã có sẵn.
Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đang triển khai tập huấn chương trình dạy học tích hợp liên môn lĩnh vực Khoa học xã hội cho các địa phương như Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk… Sau khi dự chương trình tập huấn, một giáo viên chia sẻ: Bộ tập huấn cho mỗi địa phương từ 2-3 ngày, với tài liệu dày 325 trang chia 10 chuyên đề tổng hợp kiến thức Lịch sử, Địa lý, giáo dục công dân cho thấy có sự bất ổn về cấu trúc và nội dung kiến thức. Ví dụ, giáo viên Sử ra trường dạy sao cho tốt môn Sử để học sinh thấy môn học cuốn hút từ đó mà say mê học đã khó. Nay bộ thiết kế một tiết học có 45 phút yêu cầu giáo viên phải dạy cả Sử lẫn Địa Lý và Giáo dục công dân là điều không khả thi. Trong chương trình tập huấn, bộ yêu cầu giáo viên thiết kế một tiết học dạy thử tại Trường THPT Quốc học Huế đã vấp phải sự phản biện của đa số giáo viên.
Nguyên là Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, về lý thuyết tích hợp là phương pháp đổi mới dạy học tích cực nhưng phải được chuẩn bị kỹ về con người, phương pháp giảng dạy lẫn chương trình sách giáo khoa nếu không sẽ là sự lồng ghép cơ học các môn học vào nhau. Việc chắp nhặt kiến thức môn này vào môn khác không hợp lý khiến học sinh không được tiếp nhận trọn vẹn kiến thức mỗi môn học sẽ rất nguy hiểm.