Bài 1: Tất cả vì học sinh thân yêu
Vượt qua muôn vàn khó khăn, một cô giáo mảnh mai quê Bắc Giang, sau khi tốt nghiệp đã ra tận xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) để công tác Đội. Nhiều lần đối mặt hiểm nguy, nhưng với lòng yêu nghề, cô đã kiên trì bám trụ và mang về nhiều thành tích cho công tác Đội tại xã đảo xa xôi.
Vượt trùng khơi
Sinh ra và lớn lên ở Lạng Giang, Bắc Giang, năm 1998, khi đang học Cao đẳng Sư phạm tại Kiên Giang, cô giáo Diêm Nhật Minh xung phong ra Trường Tiểu học Lại Sơn, thuộc xã đảo Lại Sơn, Kiên Hải (Kiên Giang) công tác. Hồi đó, việc đi ra đảo gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày, có một chuyến tàu ra đảo, mất 5 tiếng đồng hồ. Cô giáo trẻ Nhật Minh bị say sóng, mỗi lần lên tàu là nôn thốc tháo. Nhưng tình yêu với nghề đã tiếp thêm sức mạnh để cô vượt qua mọi khó khăn.
Năm 2007, cô Nhật Minh chuyển sang làm Tổng phụ trách Đội (TPTĐ). “Hồi đó, đi dạy thương học sinh quá! Các em không có sân chơi, không có điểm đọc sách, không có bất kỳ một hoạt động vui chơi, giải trí nào. Sau buổi học, các em thường đi mò cua, bắt ốc. Hoạt động Đội nơi đây quá yếu! Với mong muốn chia sẻ những thiệt thòi của học sinh nơi xã đảo, tôi xung phong kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ TPTĐ”, cô giáo Minh chia sẻ.
Cứ năm chẵn, cô giáo Minh đăng ký thi giáo viên dạy giỏi; năm lẻ, thi TPTĐ giỏi cấp tỉnh. Cuộc thi nào, cô cũng giành giải cao. Thời gian đầu, cô gặp không ít khó khăn bởi tâm lý e ngại của phụ huynh, sợ con em theo những hoạt động Đội sẽ ảnh hưởng học hành. Để thuyết phục, cô Minh thành lập các CLB theo nhóm, sở thích: CLB luyện chữ đẹp, luyện toán, võ Vivonam; CLB thắt nút dây làm móc chìa khoá, hình các con vật ngộ nghĩnh bán gây quỹ Đội… Cô Minh còn nhờ Bộ đội Biên phòng dẫn đường, leo núi đến các điểm lẻ để phát động tổ chức các phong trào thiếu nhi. Nhận thấy những lợi ích thiết thực từ các hoạt động Đội mang lại, phụ huynh dần dần mở lòng, ủng hộ con em tham gia. Công tác Đội của Trường Tiểu học Lại Sơn nhờ đó ngày càng lớn mạnh.
Suốt 8 năm làm TPTĐ, năm nào, học sinh của cô Minh cũng đi thi tranh tài tại các cuộc thi Chỉ huy Đội giỏi trong đất liền. Hành trình đưa học sinh đi thi của cô Minh không hề đơn giản. Không yên tâm giao học sinh cho người khác, cô Minh đến tận nhà đưa đón học sinh. Phải qua hai chuyến tàu, mất 5 tiếng lênh đênh giữa sóng nước trùng khơi, cô trò Nhật Minh mới cập bến đất liền. Do mùa thi diễn ra vào các tháng 5, 6, 7 là mùa biển động nên không ít lần gặp nguy hiểm.
“Từ khi kết hôn tới giờ, thời gian sống bên nhau của chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh công tác trong đất liền, tôi và con trai út ở đảo, con gái lớn ở với ông bà ngoại tận Bắc Giang. Gia đình mỗi người một nơi, mấy tuần, có khi vài ba tháng mới gặp nhau một lần. Cũng có lúc, chồng hỏi: Em vẫn chưa chán công việc này à? Hỏi thế nhưng hiểu được đam mê của tôi nên anh bỏ qua tất cả”.
Cô giáo Diêm Nhật Minh
Năm 2009, cô Minh dẫn đoàn học sinh đi thi Chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh. Khi cả tàu đang lênh đênh giữa biển, bất ngờ gặp lốc xoáy. Con tàu chao đảo, học sinh sợ hãi khóc thét. Sự sống cận kề cái chết trong gang tấc. Trong tình cảnh nguy kịch, thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm đã nhanh trí vứt hết mọi vật dụng xuống biển để tàu trôi tự do. “May mắn thay con tàu trôi vào vùng lặng sóng. Cô trò sung sướng ôm nhau khóc, rồi động viên nhau đi thi tiếp”, cô Minh kể lại. Gian nan là vậy, nhưng suốt 8 năm đưa học trò đi thi, năm nào cô trò Nhật Minh cũng đoạt giải cao, được xem là đội thi… không có đối thủ.
“Tiếng lành đồn xa”, TPTĐ Diêm Nhật Minh được nhiều trường uy tín trong đất liền mời về làm việc, trong đó có cả những trường điểm ở Hà Nội. “Nhưng tôi đều từ chối. Dù ở vùng đảo xa này còn nhiều khó khăn, vất vả, tôi đã yêu thương, gắn bó như máu thịt không thể rời xa”, cô Minh tâm sự. “Điều may mắn, tôi nhận được sự sẻ chia, cảm thông rất lớn của chồng. Từ khi kết hôn tới giờ, thời gian sống bên nhau của hai vợ chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh công tác trong đất liền, tôi và con trai út ở đảo, con gái lớn ở với ông bà ngoại tận Bắc Giang. Gia đình mỗi người một nơi, mấy tuần, có khi vài ba tháng mới gặp nhau một lần. Cũng có lúc, chồng hỏi: “Em vẫn chưa chán công việc này à?”. Hỏi thế, nhưng hiểu được đam mê của tôi nên anh bỏ qua tất cả”, cô Minh tâm sự.
Cô giáo Diêm Nhật Minh (thứ 2 từ phải sang) tại trại Huấn luyện Kim Đồng năm 2015.
Hy sinh thầm lặng
Định nghĩa về công việc của mình, TPTĐ Bùi Thị Thu Phương, sinh năm 1981, Trường Tiểu học Phương Liệt, Thanh Xuân (Hà Nội) dí dỏm: “Làm TPTĐ giống như làm dâu trăm họ. Rất dễ bị trách móc, làm sao để giáo viên chủ nhiệm không thấy bị phiền hà, học sinh hào hứng tham gia phong trào có hiệu quả mà không ảnh hưởng đến kết quả học hành. Đó là điều không hề dễ”. Cô Phương chia sẻ, nhiều lúc cô phải bỏ tiền túi ra mua bánh kẹo và những món quà nhỏ để… “nịnh nọt” học sinh hào hứng tham gia công tác Đội.
“Tâm huyết với hoạt động Đội, nhiều lúc tôi không có thời gian cho gia đình. Sáng đi sớm, tối muộn, khi nhà nhà ăn tối, mới lọ mọ về. Thứ 7, chủ nhật cũng đi liên miên. Đặc biệt, vào những kỳ thi phải đầu tư, tập luyện, thi thố, tôi gần như không có đủ thời gian cho gia đình. Nhiều hôm về đến nhà, con đã đi ngủ”, cô Phương tâm sự. “Có hôm xong việc sớm, tôi vội vã đến trường đón con. Vừa thấy mẹ, con gái hớn hở reo lên nhưng rồi đột ngột dỗi hờn, mếu máo: “Giá như ngày nào mẹ cũng đón con sớm thế này thì thích biết mấy. Mỗi ngày, con chỉ muốn được chơi, được nói chuyện với mẹ nhiều hơn”. Nghe con nói tôi ứa nước mắt”, cô Phương bộc bạch.
Thời gian đầu, chồng không hiểu hết công việc của vợ nên cứ phàn nàn, khó chịu: “Công việc gì mà đi nhiều thế”. Cô giáo Phương phải tìm cách giải thích cho chồng, thuyết phục chồng bằng những thành quả mà công việc mang lại. Cô liên tục nhận Bằng khen của T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi, tham gia Phụ trách Đội giỏi toàn quốc và nhận Giải thưởng Cánh Én Hồng năm 2015 (giải thưởng dành cho những TPTĐ xuất sắc nhất toàn quốc 2015).
14 năm làm TPTĐ, cô Phương luôn đặt tiêu chí, các công tác Đội phải có tính định hướng giáo dục cho học sinh. Vì thế, cô thường tổ chức các phong trào nhẹ nhàng, thoải mái, không mang tính gò bó, bắt buộc, luôn đổi mới để thu hút học sinh. Cô đặc biệt chú trọng tổ chức các chương trình từ thiện, hỗ trợ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam. “Nhiều năm tôi dẫn các em đến từng nhà thăm hỏi, động viên. Đó là cách giáo dục nhẹ nhàng nhưng giúp các em biết san sẻ, yêu thương với những mảnh đời bất hạnh ngoài xã hội”, cô Phương chia sẻ.
(còn nữa)