Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về dự thảo quản lý tiền công đức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự-Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký công văn số 133 góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (lần 3).

Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận định, Dự thảo Thông tư (lần 3) mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn những quy định không phù hợp với pháp luật hiện hành, không phù hợp và không khả thi trong thực tiễn. Hội đồng Trị sự GHPGVN tán thành và đề cao việc minh bạch tiền công đức và tài sản trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Tại văn bản góp ý Thông tư lần thứ 3, Hội đồng Trị sự GHPGVN có một số góp ý: Đề nghị Ban soạn thảo Thông tư làm rõ hơn định nghĩa về tiền công đức. Cần phải làm rõ bản chất, có sự phân biệt rõ ràng giữa tiền công đức với tiền tài trợ cho di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội. Đồng thời, cần nêu rõ tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

“Hội đồng Trị sự GHPGVN khẳng định: ba loại tiền gồm tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, được Nhà nước bảo hộ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu. Khẳng định này dựa trên quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, khoản 6 Điều 7 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số điều luật khác.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về dự thảo quản lý tiền công đức ảnh 1

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ chủ trương minh bạch tiền công đức và tài sản trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân tích, trong ba loại tiền nói trên, chỉ tiền công đức cho tổ chức tôn giáo mới được tặng cho theo lễ nghi tôn giáo, còn tiền tài trợ cho di tích và tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội không bắt buộc phải tặng cho theo lễ nghi tôn giáo. Mỗi loại tiền có mục đích sử dụng khác nhau: tiền công đức cho tổ chức tôn giáo có mục đích sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tiền tài trợ cho di tích có mục đích sử dụng cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội có mục đích sử dụng cho hoạt động lễ hội.

“Tuy nhiên, khoản 5 Điều 3 Dự thảo Thông tư (lần 3) không phân biệt được sự khác nhau về mục đích sử dụng giữa ba loại tiền nói trên, mà định nghĩa chung cả ba loại tiền đều được tặng cho “thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau” và đều có một mục đích sử dụng duy nhất là “cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng về dự thảo quản lý tiền công đức ảnh 2

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh quy định thông tư.

Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghịBộ Tài chính phải quy định rõ là Thông tư này chỉ quy định quản lý đối với tiền công đức không phải của tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích không phải là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội không do tổ chức tôn giáo tổ chức”.

Trong công văn góp ý, GHPGVN nêu Điều 6 Dự thảo Thông tư (lần 3), tổ chức tôn giáo tổ chức lễ hội “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”, khi kết thúc lễ hội “phải tổng kết việc thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; nội dung tổng kết này được thể hiện trong báo cáo kết quả tổ chức lễ hội gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ”.

Về nội dung này, Giáo hội nêu quan điểm: việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Nhà nước chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc tổ chức tôn giáo “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”.

Việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức được thực hiện theo quy định của tổ chức tôn giáo. Giáo hội đồng ý việc hướng tới sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý, thu chi tài chính đối với các cơ sở thờ tự và cần có quy định rõ ràng trong ghi chép đầy đủ và các chế độ báo cáo tài chính trong nội bộ của Giáo hội. Khi cần thiết, Giáo hội sẽ làm việc với các cơ quan Nhà nước theo yêu cầu và theo quy định của pháp luật”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu.

MỚI - NÓNG