Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá: Nắm bắt thời cơ mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 150 đại biểu di chuyển về khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất Cát Bà-Flamingo beach resort- dự hội thảo “Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá” diễn ra 19-20/4, do báo Tiền Phong và Sở Du lịch Hải Phòng đồng tổ chức.

Chuyến trải nghiệm vịnh Lan Hạ và làng du lịch cộng đồng Việt Hải ngày 19/4 mở đầu cho hội thảo nhằm hiến kế cho du lịch Hải Phòng. Đây là hoạt động bên lề của giải Vô địch Golf Quốc gia 2022-Cúp Vinfast. Sau gần hai năm đóng băng, du lịch sôi động trở lại sau dấu mốc mở cửa 15/3, du khách đến Hải Phòng phục hồi từng ngày.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lượng khách và tổng thu từ du lịch Hải Phòng tăng trưởng bình quân 15%/năm. Năm 2019, hơn 9,1 triệu lượt khách đến thành phố hoa phượng đỏ. Toàn thành phố hiện có 542 cơ sở lưu trú, với 13.665 phòng. Số cơ sở lưu trú tiêu chuẩn từ 4 sao và tương đương là 13 cơ sở, với 1.823 phòng; riêng số khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao và tương đương có 7 cơ sở, với 1.634 phòng.

Thành phố có nhiều di tích lịch sử, văn hoá với kiến trúc độc đáo như: Đền Nghè, Đình Hàng Kênh, Chùa Dư Hàng, Tháp Tường Long… Đặc biệt, việc khai quật phát lộ hàng loạt bãi cọc tại Thủy Nguyên liên quan đến trận chiến Bạch Đằng lịch sử; Di chỉ bãi cọc Cao Quỳ và các di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng có giá trị đặc biệt đối với lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng mang tầm quốc gia.

Những năm gần đây, Hải Phòng tập trung triển khai các dự án phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Nhiều công trình giao thông liên kết vùng, kết nối các địa phương lân cận, giúp tối ưu hóa lợi thế của Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Ngoài ra, thành phố cũng thu hút được các dự án quy mô lớn đầu tư phát triển du lịch như: Khu vui chơi giải trí và công viên sinh thái cao cấp Vũ Yên; Khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch và khu dịch vụ hậu cần du lịch tại Cát Bà; Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn; sân golf Sakura tại An Lão... với sự góp mặt của hàng loạt các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch.

Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá: Nắm bắt thời cơ mới ảnh 1

Khu di tích Bạch Đằng Giang là một trong số di tích văn hóa nổi bật, là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của Hải Phòng. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, Hải Phòng phát triển sản phẩm du lịch định hướng biển đảo là cốt lõi, lan tỏa và phát triển các loại hình du lịch thể thao, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nông nghiệp nông thôn, văn hóa tâm linh… Trong đó, du lịch thể thao chơi golf đang phát triển mạnh. Hải Phòng đang sở hữu ba sân golf đạt tiêu chuẩn, hoạt động có hiệu quả gồm Sông Giá, Đồ Sơn, Vũ Yên thu hút lượng du khách cao cấp tham gia thường xuyên và ổn định trong bốn mùa.

Du lịch biển đảo Cát Bà có bước phát triển mới, hình thành sản phẩm du lịch du thuyền trên vịnh Lan Hạ kết hợp với du lịch cộng đồng làng Việt Hải thành chuỗi sản phẩm hấp dẫn, thu hút khách. Các mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn kết hợp với các khu di tích lõi như: Quần thể di tích lịch sử-danh thắng quốc gia Tràng Kênh-Bạch Đằng, Khu di tích Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, di tích Bãi cọc Cao Quỳ... mở ra hướng phát triển mới cho du lịch văn hóa-tâm linh của thành phố.

Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá: Nắm bắt thời cơ mới ảnh 2

Flamingo Cát Bà đang là một trong những điểm đến được săn đón nhất mùa hè này

“Mặc dù ngành du lịch địa phương đã có bước phát triển tuy nhiên vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế. Ngay sau khi du lịch được mở cửa trở lại trong tình hình mới, Sở phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá với mong muốn quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch. Đồng thời, tìm giải pháp để ngành du lịch phát triển bứt phá bền vững”, Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng nhận định.

Bà Nguyễn Thị Thương Huyền kỳ vọng, đại biểu dự hội thảo sẽ đề xuất các giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng bền vững trong thời kỳ hậu COVID-19; khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có và tranh thủ những cơ hội mới sau đại dịch để đưa du lịch phát triển lên một tầm cao mới.

“Không chỉ được biết đến với các điểm nghỉ dưỡng biển nổi tiếng từ lâu như Đồ Sơn, thị trấn Cát Bà, Hải Phòng còn có hệ thống dày đặc di tích lịch sử, văn hoá tầm cỡ quốc gia như khu di tích Bạch Đằng Giang, di chỉ bãi cọc Cao Quỳ hay đảo Hòn Dấu, bến tàu không số… Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch giàu có và rất giá trị. Vấn đề là làm sao đầu tư khai thác tương xứng và hiệu quả. Chúng tôi hy vọng các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành có thể đưa ra các gợi ý, đề xuất cho Hải Phòng để du lịch Hải Phòng phát triển cân bằng và bền vững. Bởi bên cạnh du lịch biển đảo truyền thống và cốt lõi, Hải Phòng đang đứng trước thời cơ đẩy mạnh du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh và bắt kịp xu hướng du lịch golf và vui chơi giải trí đẳng cấp”, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, đồng Trưởng BTC nêu.

Nhiều đề xuất đắt giá cho Hải Phòng

Ban Tổ chức hội thảo “Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá” nhận được gần 20 tham luận chất lượng do các sở, ban, ngành, chuyên gia và đại diện doanh nghiệp lữ hành soạn thảo công phu. Họ đưa ra nhiều đề xuất mang tính gợi mở cho du lịch thành phố Hải Phòng từ thách thức xây dựng quy hoạch du lịch ở tầm bao quát cho tới đề xuất cụ thể ở khía cạnh phát triển sản phẩm, nắm bắt thời cơ sau đại dịch, phát huy thế mạnh hay việc đào tạo lại nguồn nhân lực sau đại dịch.

Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch đưa ra 6 đề xuất với Hải Phòng: Ưu tiên quy hoạch chiến lược với định hướng liên kết vùng; cải thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư có chất lượng; phát triển sản phẩm du lịch như golf, nghỉ dưỡng biển đồng thời quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ; đẩy mạnh tiếp thị điểm đến nhằm định vị thương hiệu du lịch Hải Phòng; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, bến cảng tàu du lịch, đường bộ, tàu thủy, quản lý các dịch vụ phụ trợ như khu vui chơi giải trí, chợ đêm.

MỚI - NÓNG