Gian nan khôi phục loài rùa Hoàn Kiếm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sáng 23/4, khi biết rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô (Hà Nội) chết, nhiều cán bộ Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) lặng lẽ khóc. Hành trình 20 năm bảo tồn rùa quý hiếm có cái kết quá buồn, công cuộc khôi phục quần thể loài thời gian tới thêm phần gian nan.

Dang dở

Anh Nguyễn Tài Thắng, điều phối viên Dự án Bảo tồn rùa Hoàn Kiếm của ATP, chia sẻ, buồn và tiếc nuối là tâm trạng chung của cán bộ bảo tồn ATP, những người nhiều năm quan sát, theo dõi và bảo vệ cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô.

Trong nỗ lực khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới, năm 2003, ATP bắt đầu tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm ngoài tự nhiên, tập trung tại hồ Đồng Mô. Khi ấy, Việt Nam chỉ có Hồ Gươm ghi nhận loài rùa này. Phải sau hàng nghìn giờ quan sát, tháng 6/2007, ATP mới ghi nhận chính thức một cá thể rùa Hoàn Kiếm sống ở hồ Đồng Mô. Đây cũng là rùa Hoàn Kiếm đầu tiên được tìm thấy trong môi trường hoang dã thời điểm đó trên thế giới. Gần 16 năm qua, ATP luôn cắt cử cán bộ theo dõi, ghi nhận và bảo vệ con rùa quý hiếm này.

Gian nan khôi phục loài rùa Hoàn Kiếm ảnh 1

Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô thời điểm bẫy bắt năm 2020

Năm 2018, sau khi phát hiện thêm một con rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch bảo tồn rùa Hoàn Kiếm với mục tiêu trước mắt là bảo vệ an toàn rùa Hoàn Kiếm tại 2 hồ, nghiên cứu xây dựng cơ sở bảo tồn rùa Hoàn Kiếm, đồng thời điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản (nếu được). Năm 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ươm nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài.

Thực hiện kế hoạch trên, năm 2020, con rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được bẫy bắt thành công. Giới bảo tồn quốc tế và Việt Nam mừng rỡ đó là rùa cái, mở ra hy vọng ghép đôi sinh sản. Thời điểm đó, thế giới ghi nhận chính thức một rùa đực và một rùa cái (con đực sống ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc). Tuy nhiên, khi con đường tiến tới ghép đôi sinh sản còn rất xa thì sáng 23/4, xác rùa Hoàn Kiếm nổi lên mặt nước hồ Đồng Mô.

Nguyên nhân cái chết vẫn đang được xác minh, tìm hiểu. Xác của rùa hiện được bảo quản ở phòng lạnh sâu tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chờ phương án xử lý của UBND thành phố Hà Nội. Các nhà khoa học đã lấy mẫu ADN để thực hiện các thí nghiệm, phân tích cần thiết.

Cái chết đột ngột cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô gây sốc cho giới bảo tồn. Hy vọng về việc khôi phục quần thể rùa quý hiếm nhất thế giới cũng trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết.

Những khó khăn phía trước

Rùa Hoàn Kiếm còn có tên gọi khác là Giải Thượng Hải, từng có một vùng phân bố rất rộng lớn, từ phía Nam sông Trường Giang (Trung Quốc) đến miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam. Các nhà bảo tồn cho rằng, loài rùa này có thể tồn tại ở Lào dù chưa có bằng chứng xác thực.

Gian nan khôi phục loài rùa Hoàn Kiếm ảnh 2

Xác rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được đưa về bảo quản tại phòng lạnh ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chiều 24/4. Ảnh: Duy Phạm

Tại Trung Quốc trước năm 2019 chỉ có hai con rùa được ghi nhận chính thức gồm một đực, một cái, đều sinh sống ở Vườn thú Tô Châu. Từ 2008, các nhà bảo tồn Trung Quốc thực hiện ghép đôi sinh sản hai con rùa này với hy vọng có thể khôi phục quần thể loài. Trong hơn 3 năm, con cái đẻ ra 600 quả trứng nhưng không có rùa con nào chào đời. Nguyên nhân có thể do rùa đực quá già.

Trong một nỗ lực khác, các nhà bảo tồn Trung Quốc đã tiến hành thụ tinh nhân tạo ở cá thể cái tới 5 lần nhưng không mang lại kết quả. Ở lần thứ 5, cá thể rùa cái qua đời sau 24 giờ thực hiện thụ tinh nhân tạo, chấm dứt hy vọng khôi phục quần thể loài từ phía Trung Quốc.

Tại Việt Nam, sau cái chết của rùa Đồng Mô, chỉ còn một con rùa được ghi nhận chính thức ở hồ Xuân Khanh. Đây là một con rùa vô cùng hoang dã, bí ẩn. Dù nhiều năm quan sát, các cán bộ bảo tồn chưa một lần chụp được bức ảnh rõ nét về con rùa này. Việc phát hiện được thực hiện nhờ công nghệ gien môi trường.

Các chuyên gia bảo tồn cho biết, phía trước sẽ là một hành trình rất gian nan và khó khăn với ưu tiên đầu tiên là bảo vệ rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh. Trước đó, ATP từng có văn bản cầu cứu đến các cơ quan chức năng đề nghị tăng cường bảo vệ con rùa quý hiếm này khi phải đối mặt nhiều nguy cơ đến từ hoạt động đánh bắt thủy sản và các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.

Cùng với đó sẽ là hành trình tìm kiếm thêm con rùa hoang dã ngoài tự nhiên công việc đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian và sự kiên trì. Riêng tại hồ Đồng Mô, ATP cho rằng có hơn một con rùa tồn tại ở đây, bằng chứng là bức ảnh chụp được hai con rùa mai mềm khổng lồ bơi song song trên mặt nước ngày 20/8/2020. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục tìm kiếm và tăng cường bảo vệ rùa ở hồ Đồng Mô, ngăn chặn các hành vi có thể ảnh hưởng sự an toàn của loài rùa cỡ lớn trên hồ.

“Hành trình tìm thêm các cá thể ngoài tự nhiên, thực hiện bẫy bắt xác định giới tính, xa hơn nữa là ghép đôi sinh sản để khôi phục loài sẽ là một chặng đường rất dài, rất nhiều rủi ro ở phía trước”, anh Nguyễn Tài Thắng, điều phối viên Dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm, nhận định.

MỚI - NÓNG