'Giải cứu' sàn HoSE: Vì sao phải huy động công nghệ và tiền tư nhân?

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng
TPO - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ doanh nghiệp hỗ trợ công nghệ và 40 tỷ đồng, việc giải quyết nghẽn lệnh sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) mới xong kịp trong 100 ngày. Nếu sử dụng ngân sách sẽ không thể rút ngắn thời gian được như vậy.

Sáng nay (15/10), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm việc với lãnh đạo Tập đoàn FPT và Tập đoàn Sovico, hai đơn vị hỗ trợ về công nghệ và kinh phí để “giải cứu” sàn HoSE vừa qua.

Bên lề sự kiện trên, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng về nghẽn lệnh sàn HoSE vừa qua và một số thay đổi thời gian tới.

Theo ông Dũng, thiết kế hệ thống của sàn HoSE tối đa 900 nghìn lệnh/phiên (năm 2020 về trước số lượng giao dịch chỉ khoảng 160 - 170 nghìn lệnh/phiên), thanh khoản khoảng 6.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2020 đầu năm 2021, thị trường chứng khoán bùng nổ, khối lượng giao dịch, thanh khoản thị trường đều vượt ngưỡng thiết kế của hệ thống sàn HoSE.

"Hệ thống hoạt động quá tải liên tục trong thời gian dài nên có biểu hiện trục trặc, nguy cơ sập hệ thống. Nếu hệ thống bị sập, hậu quả rất lớn, không chỉ là tiền với nhà đầu tư, doanh nghiệp, còn ảnh hưởng uy tín Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Dũng nói thêm.

- Thưa ông, nhà đầu tư giao dịch đều phải trả phí, tại sao không sử dụng tiền phí đó để khắc phục hệ thống thay vì huy động tiền tư nhân ủng hộ?

+ Ông Trần Văn Dũng: Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM là doanh nghiệp nhà nước, thủ tục chi đầu tư của doanh nghiệp nhà nước cũng gần như chi ngân sách nhà nước, quy trình có thể kéo dài; nếu không được hỗ trợ cũng phải dùng tới. Nhờ hỗ trợ của doanh nghiệp tư nhân về công nghệ và tài chính mới khắc phục được nghẽn lệnh sàn HoSE trong 100 ngày, và có thể đáp ứng nhu cầu thị trường cho 3-5 năm tới.

- Hệ thống của HoSE đã hoạt động ổn định, vậy khi nào sẽ cho phép nhà đầu tư giao dịch “lô 10 cổ phiếu”, thay vì “lô 100” hiện hành?

+ Ông Trần Văn Dũng: Hệ thống FPT sử dụng cho sàn HoSE là bản quyền phần mềm của sàn HNX, với thiết kế xử lý “lô 100”. Muốn chuyển xuống “lô 10” phải đánh giá và điều chỉnh lại phần mềm. Nhân sự thiết kế phần mềm hầu hết ở Hà Nội. Vừa qua, đường bay kết nối với TPHCM bị ảnh hưởng dịch bệnh nên nhân sự chưa thể đi lại. Nay hàng không giữa 2 địa phương đã nối lại, nhân sự thiết kế của FPT có thể vào TPHCM để nghiên cứu điều chỉnh phần mềm cho giao dịch “lô 10”. Dự kiến thời gian chỉnh sửa phần mềm mất 1-2 tháng sẽ vận hành được.

- Được biết, đối tác Hàn Quốc đang xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán thống nhất cho Việt Nam, tiến độ triển khai dự án này ra sao, khi nào có thể vận hành?

+ Ông Trần Văn Dũng: Hệ thống sàn HoSE chỉ đơn thuần phục vụ giao dịch cổ phiếu, trong khi hệ thống của Hàn Quốc đang xây dựng cho Việt Nam còn thêm chức năng phục vụ giao dịch trái phiếu, thị trường phái sinh, bù trừ thanh toán trung tâm (CCP); dịch vụ giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán trở về... Hệ thống tổng thể đang xây dựng cũng giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi hoạt động của nhà đầu tư, công bố thông tin của doanh nghiệp, công ty chứng khoán, người hành nghề...

Giải pháp cho sàn HoSE hiện chủ yếu để giao dịch cổ phiếu ổn định, trong khi chờ hệ thống tổng thể dùng chung và sáp nhập HoSE với HNX (Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội).

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù hệ thống đã lắp đặt phần cứng, xong phần mềm, nhưng chuyên gia Hàn Quốc chưa thể sang để vận hành thử và chỉnh sửa hệ thống. Việc vận hành thử mất rất nhiều thời gian, do công nghệ phục vụ thị trường chứng khoán, tài chính không cho phép có lỗi.

- Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ FPT hỗ trợ về công nghệ và Sovico hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng mới giải quyết kịp thời nghẽn lệnh trên sàn HoSE trong 100 ngày. Nếu sử dụng tiền ngân sách theo quy định đầu tư công sẽ phải kéo dài rất lâu về thủ tục, sàn HoSE còn tắc nghẽn, làm ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, mất cơ hội của nhà đầu tư và cả nền kinh tế.

Chủ tịch HĐQT FPT đánh giá, việc chống nghẽn lệnh cho sàn HoSE đã chứng minh, khi doanh nghiệp Việt được tin tưởng, hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, từ đó vươn lên và cạnh tranh với các nước phát triển.

'Giải cứu' sàn HoSE: Vì sao phải huy động công nghệ và tiền tư nhân? ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính đã tặng bằng khen cho Cty CP FPT và Tập đoàn SOVICO.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.