Nghẽn lệnh kéo dài tại HoSE: Có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Về việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nghẽn lệnh từ tháng 12/2020 đến nay, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng cho rằng, việc chậm trễ có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chủ đầu tư là HoSE. Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCK SSI cho rằng, các thành viên thị trường nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi.

Vì sao HoSE nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau?

Trong buổi toạ đàm “Nghẽn lệnh tại HoSE: Thực trạng và giải pháp” do CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, ngày 21/12/2020, khi HoSE xảy ra nghẽn lệnh, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN, HoSE tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực cao nhất, cùng các đơn vị liên quan vào cuộc để xử lý sự cố. Xử lý nghẽn lệnh chứng khoán được coi là trường hợp khẩn cấp quốc gia. Bộ Tài chính đã lập ban chỉ đạo xử lý nghẽn lệnh, do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm trưởng ban.

Nghẽn lệnh kéo dài tại HoSE: Có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý ảnh 1
Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, xử lý nghẽn lệnh chứng khoán là trường hợp khẩn cấp quốc gia

Về việc dự án công nghệ thông tin của HoSE 20 năm qua chưa thể làm chủ hệ thống, ông Dũng cho rằng, việc chậm trễ có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý nhà nước, cũng như chủ đầu tư là HoSE. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các bên không lường hết được tình hình và chưa thật sự quyết liệt.

“Năm 2000 có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, nhưng chúng tôi vẫn chưa có hình dung về hệ thống. Lúc này thị trường còn nhỏ, chỉ có vài mã niêm yết, và đã có hệ thống Thái Lan nên dự án tạm thời dừng. Chúng tôi đã ký hợp đồng bảo trì với Sở giao dịch Thái Lan, hệ thống lúc này vẫn ổn nên chưa quyết liệt triển khai.

Đến khi triển khai hệ thống KRX, có một điều không may là nhà thầu phụ của Sở giao dịch Hàn Quốc (phụ trách bù trừ thanh toán và lưu ký) bỏ cuộc. Đến khi hệ thống đến giai đoạn kết nối, vận hành thử thì xảy ra COVID-19. Hợp đồng dự án không cho phép thay đổi chi phí dự án, do đó, nếu chuyên gia Hàn Quốc qua Việt Nam phải cách ly thì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí. Chúng tôi lúc này cũng không biết xử lý thế nào. Tuy nhiên, hệ thống hiện nay đã đi vào kết nối thử nghiệm, dự kiến tới cuối năm sẽ chính thức vận hành”, ông Dũng thông tin.

Nghẽn lệnh kéo dài tại HoSE: Có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý ảnh 2
Ông Lê Hải Trà cho biết khối lương lệnh sửa/huỷ chiếm tỷ lệ 33% công suất lệnh trong một ngày giao dịch

Nói về hiện tượng HoSE nghẽn lệnh ở các mốc thanh khoản khác nhau, có khi 10.000 tỷ đồng đã nghẽn, mà có phiên quy mô 30.000 tỷ đồng vẫn giao dịch được, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE cho biết, thiết kế hệ thống HoSE dựa trên nhiều nền tảng, tham số khác nhau, công suất tối đa 900 nghìn lệnh.

“Hiểu đơn giản, hệ thống như con đường được thiết kế cho 900 nghìn xe tham gia giao thông. Khi số xe vượt quá 900 nghìn thì giao thông tắc nghẽn. Tuy nhiên, lệnh giao dịch không hẳn giống xe (có xe lớn, xe nhỏ), dù lệnh 100 hay 10.000 cổ phiếu, lệnh sửa/huỷ đều tính là 1 lệnh. Tất cả được tính vào 900 nghìn lệnh. Do vậy, cùng số lượng lệnh khớp trên thị trường, nhưng giá trị giao dịch khác nhau", ông Trà nói.

Ông Trà cho biết, việc hạn chế huỷ/sửa lệnh vừa qua đã giảm được 15 – 18% lệnh/phiên vào thị trường, có nhiều lệnh được khớp hơn, giá trị giao dịch tăng lên. Tuy nhiên, giải pháp này không được bao lâu, khi số lượng tài khoản mới, lệnh của nhà đầu tư tiếp tục tăng.

Liên quan đến câu hỏi của nhiều nhà đầu tư có hay không việc trục lợi khi các công ty chứng khoán hạn chế huỷ, sửa lệnh, dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ, ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch Công ty Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho rằng khi ứng dụng được đưa vào vận hành như HOSE được kiểm tra cẩn thận, liên quan đến bảo mật, hệ thống được thiết kế để phần cứng này hỏng sang phần khác chạy... không có trục lợi khi giao dịch nghẽn.

HoSE cũng đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước, nếu nâng lô lên 1.000 thì giảm lượng lệnh vào sàn 50%. Sửa huỷ lệnh chiếm tỷ lệ 33% công suất lệnh trong một ngày giao dịch, tức là 900 nghìn lệnh giao dịch thì 300 nghìn lệnh chỉ để sửa hoặc huỷ lệnh đặt trước đó. Số lượng lệnh thực tế được khớp chỉ 600 nghìn lệnh. Sau sự cố ngày 1/6, các CTCK kiểm soát sửa huỷ lệnh thì lượng lệnh thực tế được khớp có thêm 200 nghìn lệnh, giá trị giao dịch tăng lên 30.000 tỷ đồng.

Ông Trà cho biết, hệ thống HoSE có ngưỡng chịu lỗi nhất định, nếu vượt quá ngưỡng đó, hệ thống có nguy cơ sụp đổ, dẫn đến việc đóng cửa giao dịch như chiều 1/6. “Việc giảm lỗi 2G liên quan đến quy định giao dịch trực tiếp giữa HoSE và các CTCK. Nếu lỗi vượt quá ngưỡng an toàn, sở sẽ huỷ kết nối với CTCK", ông Trà chia sẻ.

Bảo vệ tối đa lợi ích của nhà đầu tư

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI cho rằng, các thành viên thị trường nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi. Dù sự cố xảy ra lỗi, nguyên nhân ngoài mong muốn nhưng nhà đầu tư trả phí giao dịch thì phải được nhận dịch vụ đúng như cam kết.

"Chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi, mà nợ nhiều lời xin lỗi, tới cả các nhà khoa học, CTCK, cơ quan báo chí vì chưa thể phản hồi hết những ý kiến gửi về. Trong bối cảnh nghẽn lệnh vừa qua, Thủ tướng, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan trực tiếp xử lý như UBCKNN, HoSE, FPT IS cố gắng hết sức để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất", Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng.

Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, ông Nguyễn Chí Thành, Phó TGĐ CTCK SHS đề xuất cơ quan quản lý có động thái phù hợp hơn để bảo vệ nhà đầu tư khi sự cố xảy ra. Nhà đầu tư giao dịch thì Sở được hưởng phí, nếu dịch vụ tốt thì không sao. Nhưng tình trạng nghẽn lệnh kéo dài gây ảnh hưởng cho nhà đầu tư, SHS kiến nghị HoSE xem xét giảm phí để đảm bảo quyền lợi và tạo niềm tin với nhà đầu tư.

Ông Thành cho biết, thị trường từ lúc nghẽn lệnh lần đầu, giá trị giao dịch là 7000 tỷ đồng, và đến giờ đã có phiên quy mô 30.000 tỷ đồng, nhà đầu tư cũng nên ghi nhận nỗ lực của cơ quan quản lý.

Nghẽn lệnh kéo dài tại HoSE: Có nguyên nhân chủ quan từ cơ quan quản lý ảnh 3

Ông Nguyễn Chí Thành, Phó TGĐ CTCK SHS đề xuất đề xuất giảm phí giao dịch để đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư

“Đôi khi có một số người quá khích, "chửi bới" thì đâu đó chưa công bằng cho cơ quan quản lý.. Chúng tôi đã cố gắng truyền thông minh bạch tới nhà đầu tư, nhưng hiện trạng bây giờ gây áp lực quá nhiều cho nhà đầu tư, mong là cơ quan quản lý cũng hiểu sự bất tiện mà nhà đầu tư bức xúc", ông Thành cho hay.

Câu chuyện hủy sửa, nâng lô chỉ là tạm thời cho tới khi hệ thống mới của FPT hay KRX đi vào vận hành. Do đó, SHS xác định phải sống chung với lũ. Mục tiêu là tăng lợi nhuận cho khách hàng chứ không phải khuyến khích giao dịch nhiều.

Tại toạ đàm, cơ quan quản lý, thành viên thị trường tin tưởng hiện tượng nghẽn lệnh sẽ được xử lý dứt điểm như cam kết, khi hệ thống FPT đi vào hoạt động. Chiều nay, các bên liên quan có cuộc họp với Ban chỉ đạo xử lý nghẽn lệnh, dự kiến hoàn thành kế hoạch 100 ngày của FPT đúng tiến độ.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.