Từ sự cố nghẽn lệnh chứng khoán: Lộ nhiều yếu kém quản trị của HOSE

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo đánh giá của các chuyên gia, sự cố nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tất yếu gây ảnh hưởng tới thị trường, nhà đầu tư nhưng đây không phải vấn đề lâu dài. Tuy nhiên, nhìn tự sự cố, những bất cập của vận hành thị trường, hệ thống, mô hình quản trị của HOSE càng lộ rõ.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ (Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán – VASB) đánh giá, sự cố nghẽn lệnh của HOSE tất yếu ảnh hưởng đến thị trường, nhà đầu tư, tuy nhiên vấn đề chỉ là trước mắt và đã có giải pháp khắc phục. Ông Kỳ tin tưởng, tháng 7/2021, hệ thống FPT đi vào hoạt động sẽ giải quyết đươc sự cố của HOSE.

Về việc các công ty chứng khoán tạm dừng huỷ/ sửa lệnh trong vài ngày qua, ông Kỳ cho rằng đây là việc bất đắc dĩ, nhà đầu tư không nên vì thế mà rút khỏi thị trường. Tham gia vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư, công ty chứng khoán là hai chủ thể gắn với nhau, điều tiết cùng thị trường.

Trong văn bản hôm nay gửi đến các công ty chứng khoán, HOSE đề nghị các công ty chứng khoán thành viên phối hợp thực hiện việc kiểm soát lỗi 2G và quản lý việc sửa, hủy lệnh. Để tránh gây áp lực quá tải xử lý đối với hệ thống giao dịch, công ty chứng khoán quản lý việc sửa, hủy lệnh giao dịch trong các khung giờ từ 9h15 đến 9h25; từ 11h15 đến 13h10 và từ 14h20 đến 14h30 các ngày giao dịch.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một số công ty chứng khoán và chuyên gia khẳng định, những quyết định điều hành của HOSE thời gian qua như nâng lô giao dịch, không cho sửa, hủy lệnh... đã cho thấy không có tác dụng với thị trường mà chỉ khiến nhà đầu tư thêm bức xúc vì chịu thiệt hại một cách phi lý.

Từ sự cố nghẽn lệnh chứng khoán: Lộ nhiều yếu kém quản trị của HOSE ảnh 1

Sau khi bị nhà đầu tư phản đối mạnh mẽ, CTCK đã khôi phục tính năng huỷ, sửa lệnh

TS. Vũ Bằng (Nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - UBCKNN) phân tích, trách nhiệm cuối cùng trong sự cố hệ thống giao dịch của HOSE là chủ đầu tư, còn cơ quan quản lý có nhiệm vụ giám sát, theo dõi.

Ông Bằng cho biết, UBCKNN không quản lý tài sản, vốn của các sở. Hệ thống làm cho cả 3 thị trường nên quá trình triển khai rất khó. Lúc xây dựng không thể lường hết, khi triển khai mới thấy vấn đề. Hệ thống xảy ra sự cố, người đứng đầu có trách nhiệm đầu liên đới, nhưng chủ đầu tư mới là người quyết định.

Ông Bằng đánh giá, việc xây hệ thống giao dịch mới của KRX đã lên đến “ngọn”, có thể đưa vào vận hành vào đầu năm sau. Còn hệ thống của FPT trong tháng 7 có thể sử dụng. Tuy nhiên, công nghệ khó nói trước.

Là người đi cùng thị trường chứng khoán từ ngày đầu thành lập, ông Bằng thông cảm với nhiều cái khó của người trong cuộc, triển khai chậm một phần do cơ chế. “Trước đây, UBCKNN nhiều lần rơi vào thế khó, khi 3 nơi 3 chủ đầu tư, không thể thống nhất, vướng mắc kéo dài”, ông Bằng nêu.

Theo đó, Nguyên Chủ tịch UBCKNN đề xuất cần sớm có lộ trình cổ phần hoá Sở giao dịch chứng khoán, áp dụng mô hình quản trị mới. “Sở là đối tác yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết xây dựng mô hình quản trị tốt, thì sở nên có mô hình quản trị tiên tiến. Lộ trình cổ phần hoá phải theo từng bước, đầu tiên là cổ phần hoá vài phần trăm cho thành viên để đổi mới mô hình quản trị. Cổ phần hoá cho quyền tự chủ của sở lớn lên và sở có quyền tự quyết, không phải hỏi UBCKNN nhiều trong việc xây dựng hệ thống, xin phép nhiều nơi”, ông Bằng kiến nghị.

Vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng có đề xuất nhanh chóng cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký chứng khoán để cho các đơn vị này có năng lực quản trị ngang tầm các nước trong khu vực.

MỚI - NÓNG