Gì cũng tiền

Gì cũng tiền
TP - Đọc báo mấy ngày qua, thấy nói toàn chuyện tiền. Chính xác là chuyện tiền phí, tiền vé, tiền trời ơi… Học sinh một lớp ở Đắk Lắk phản ứng lại việc trường thay cô giáo chủ nhiệm, đã bị trường bắt nộp mỗi em 1 triệu đồng, cả lớp gần 30 triệu đồng. Trường gọi đây gọi là “Tiền giáo dục học sinh ban đầu” !?

Ở TPHCM và một số nơi, ngay tại nhiều đại học công lập đang mở ra loại đại học chất lượng cao theo kiểu “quy ra tiền”. “Chất lượng cao” đồng nghĩa với việc người học đóng tiền cao tới vài chục triệu đồng/năm. Còn ít tiền hơn một chút, thì được học các lớp chất lượng “gần cao” !

Trường mầm non quốc tế cũng mọc như nấm, tiền đóng cao ngất, nhưng chất lượng thì tùy… hên xui. Trong khi chất lượng giáo viên lại do chính các trường tự biết với nhau, học viên và cơ quan quản lý chẳng biết đâu mà lần.

Di sản Hạ Long người dân cả nước vừa sau đợt rầm rộ bầu chọn “kỳ quan mới”, chưa kịp nghe một lời cám ơn, đã ầm một phát tăng gấp đôi giá vé tham quan. Cái lý của người quản lý ở đây, đó là “giá vé thấp quá, không xứng tầm di sản thế giới (!?)”. Trong khi không ai chịu hiểu rằng ngay cả với giá vé cũ chưa tăng, liệu đã tương xứng với dịch vụ, môi trường và sự an toàn đang có rất nhiều lời ca thán ở di sản này? Nhiều di sản, di tích khác như chùa Hương, Văn Miếu cũng rục rịch tăng giá lên gần gấp đôi.

Chung cư cao cấp Keangnam cao ngất ngưởng, khi dân vào ở thì giá các loại dịch vụ cũng nhanh chóng vượt lên ngất nghểu. Hàng loạt chung cư cao cấp tại các thành phố lớn khác cũng chung cảnh ngộ. Cư dân sau khi bỏ cả núi tiền vào để mua căn hộ với bao hứa hẹn ngọt ngào ban đầu, nhưng khi càng “dấn” sâu vào thì càng bị siết chặt, móc sâu vào hầu bao …

Hở ra là tiền, là tăng, mà chất lượng dịch vụ thì cứ xuống dần, đó là chuyện đang diễn ra ngày càng phổ biến. Nhiều khi người ta mượn cái cớ đồng tiền mất giá để tranh thủ làm tiền nhiều hơn.

Có một tin, đọc nghe đỡ buồn. Đó là quận Thủ Đức (TP HCM) vừa vận động thành công 100% chủ nhà trọ không tăng giá. Và toàn bộ nhà trẻ tư thục nơi đây cũng cam kết không tăng giá giữ trẻ nhưng vẫn đảm bảo bữa ăn cho các cháu. Với một nơi tập trung đông đảo sinh viên, công nhân nghèo như Thủ Đức, đó là việc làm thiết thực đầy ý nghĩa.

Đúng là chẳng thể buộc nhau phải làm từ thiện cho người khác (mà có làm từ thiện tiền tỷ để lên báo, lên đài, rồi vẫn còn xù được cơ mà !). Chỉ cần bán đúng giá trị thứ mình có, không tìm cách ép uổng, đưa vào thế để bắt chẹt nhau, đã là quý lắm rồi. Đơn giản vậy, nhưng thời buổi này, nghe chừng quá khó! n

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG