Ghi nhận ca mắc biến thể Omicron, Bình Dương lên phương án ứng phó ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Một người về từ nước ngoài mắc COVID-19 với biến thể Omicron là ca đầu tiên tại Bình Dương. Để ứng phó, ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới này, Bình Dương ngoài việc giám sát chặt người về từ nước ngoài còn  xây dựng phương án điều trị phù hợp với tình hình thực tế.

Ca mắc và tử vong giảm

Ngày 25/1, đại diện Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, tính từ ngày 17 đến 24/1, toàn tỉnh có hơn 400 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR (giảm 2,4% so với tuần trước); trung bình mỗi ngày có 58 ca mắc; 4.714 ca khỏi bệnh, xuất viện, hoàn thành cách ly (bao gồm các trường hợp test nhanh), trung bình mỗi ngày có 673 ca khỏi bệnh, xuất viện, hoàn thành cách ly.

Bình Dương ghi nhận 1 ca bệnh nhập cảnh mắc COVID-19 với biến thể Omicron (theo kết quả phản hồi của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh). Cụ thể, bệnh nhân là nữ, sinh năm 1990, Quốc tịch Việt Nam. Ngày 9/1, người này nhập cảnh từ Canada về sân bay Tân Sơn Nhất, trên chuyến bay VN09, số ghế 27A. Ngay sau khi xuống sân bay, trường hợp này được cách ly tại khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một. Ngày 11/1, ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR có kết quả dương tính và chuyển vào Khu điều trị Thanh Lễ.

Ghi nhận ca mắc biến thể Omicron, Bình Dương lên phương án ứng phó ra sao? ảnh 1

Bình Dương kiểm soát chặt, ngăn ngừa sự lây lan của biến thể Omicron

Ngày 19/1, trường hợp này cho kết quả PCR lần 2 âm tính, ngày 20/01/2022 về nhà cách ly theo dõi sức khỏe đến nay. Từ lúc phát hiện dương tính đến nay sức khỏe của trường hợp này bình thường, không ho, không sốt. Theo ngành Y tế tỉnh, đây là trường hợp nhiễm biến chủng Omicron từ người nhập cảnh về nước, được cách ly từ trước nên không nguy hiểm cho cộng đồng.

Ngành y tế Bình Dương đánh giá, số ca tử vong trong tuần tiếp tục giảm sâu. Để chuẩn bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bình Dương phát huy vai trò của các Trạm y tế lưu động, Tổ COVID-19 cộng đồng, xây dựng các phương án, giải pháp phòng, chống dịch, lực lượng y tế trực chiến 24/24 để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, nhất là ngăn chặn lây lan của biến thể Omicron.

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết ngành y tế xác định việc tổ chức điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác; thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

Xây dựng phương án ứng phó biến thể Omicron

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống biến thể Omicron trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong bối cảnh ngày Tết cận kề, người dân đi lại nhiều.

Cụ thể, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị sẵn sàng các khu điều trị theo mô hình tháp 3 tầng như trước đây, đáp ứng theo từng tình huống dịch từ 4.000 - 5.000 ca bệnh/ngày tăng lên 8.000 - 10.000 ca/ngày và có thể đạt trên 10.000 ca bệnh/ngày.

Theo phương án đưa ra, nếu trường hợp dưới 10.000 ca bệnh/ngày, thời gian điều trị trung bình 10 ngày, ngành y tế Bình Dương chuẩn bị dưới 100.000 giường bệnh, trong đó 95% giường bệnh dành cho các trường hợp nhẹ, không triệu chứng tương ứng với 95.000 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú; 4% giường bệnh (4.000 giường) dành cho bệnh nhân tầng 2 tại các huyện, thị, thành phố và 1% giường cho các bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện tầng 3.

Ghi nhận ca mắc biến thể Omicron, Bình Dương lên phương án ứng phó ra sao? ảnh 2

Bình Dương phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng

Đối với điều trị 3 tầng, ở tầng cấp cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch sẽ bố trí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và Bệnh viện Quốc tế Becamex. Trong trường hợp tình huống xấu nhất, số ca bệnh trên 10.000 ca/ngày sẽ quá khả năng đáp ứng của ngành y tế, Bình Dương sẽ đề xuất giãn cách xã hội, tập trung điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 (kể cả ICU) tại các huyện, thị, thành phố và 2 bệnh viện tầng 3.

Với biến thể Omicron, Bình Dương xác định đối tượng nhập cảnh từ nước ngoài nguy cơ cao, do đó các địa phương và đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ.

Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố giám sát, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn người nước ngoài các biện pháp cách ly, tự theo dõi sức khỏe, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các đơn vị báo cáo tình hình quản lý, giám sát người nhập cảnh của địa phương về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Sở Y tế. Đối với các công ty, doanh nghiệp mời chuyên gia nước ngoài phải bố trí phương tiện chở chuyên gia từ sân bay, cửa khẩu về đến nơi cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Các công ty khai báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế cơ sở để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời cam kết thực hiện các quy định và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhận định, thời gian tới, số lượng người nước ngoài nhập cảnh tăng cao, do đó tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là. Ngành Y tế có kế hoạch phương án phòng, chống biến chủng Omicron cụ thể, cách thức triển khai ứng phó phải đồng nhất trong toàn tỉnh. Phát huy vai trò Tổ COVID- 19 cộng đồng nhằm giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, cách ly điều trị tại nhà không để trường hợp F0 ra khỏi nhà.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.