Biến thể Omicron có thể gây quá tải hệ thống y tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thông tin của Bộ Y tế cho biết ngày 24/1 có 165 ca tử vong do COVID-19, đồng thời cảnh báo, cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn kéo dài, nhất là sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Nếu biến thể mới này lây lan rộng sẽ dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế.
Biến thể Omicron có thể gây quá tải hệ thống y tế ảnh 1

Chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Thái Hà

163 ca nhiễm biến thể Omicron

Hiện Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm biến thể Omicron. Địa phương có nhiều ca nặng nhất vẫn là TPHCM, tiếp theo là Hà Nội, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre. Ba địa phương, TPHCM, Quảng Nam, Hà Nội là những nơi có ca mắc biến thể mới cao nhất. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan do biến chủng Omicron, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương trong thời gian tới vẫn cần tập trung công tác phòng chống dịch; nâng cao năng lực điều trị, giảm nguy cơ các ca mắc COVID-19 chuyển nặng và tử vong. Đồng thời, có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn khi dịch diễn biến phức tạp. Bộ Y tế cũng nỗ lực bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lí, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao; nhất là việc hoàn thành tiêm phủ mũi 3.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, phần lớn bệnh nhân trẻ tuổi là các sản phụ chưa tiêm vắc xin COVID-19, tiến triển nặng từ khoảng ngày thứ 7 và tình trạng bệnh nặng diễn biến rất nhanh.

PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết phụ nữ mang thai lại là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi trong quá trình mang thai, phụ nữ cũng có tình trạng suy giảm miễn dịch nhất định. Quá trình mang thai sẽ có tình trạng giữ nước trong cơ thể, có hiện tượng phù, phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên dễ dàng. Vì thế khi mắc COVID-19 nguy cơ bệnh diễn biến nặng tăng nhanh.

Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai có bệnh nền hoặc các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, béo phì, bệnh mạn tính ở phổi hoặc trên 35 tuổi mới mang thai sẽ dễ gây ra biến chứng trong thai kỳ, TS Cường phân tích. Cùng với những yếu tố trên, nếu thêm mắc COVID-19 thì nguy cơ biến chứng thể nặng của phụ nữ mang thai càng cao. Khi diễn biến chuyển nặng nhanh chóng sẽ buộc phải nằm hồi sức, can thiệp thở máy, ECMO… với tỉ lệ cao, thậm chí có thể gây tử vong mẹ, nguy cơ cho thai nhi. Do đó các bác sĩ khuyến cáo các sản phụ đủ điều kiện tiêm vắc xin cần tiếp cận tiêm vắc xin sớm nhất có thể.

Nguyên nhân tiêm vắc xin nhiều vẫn tử vong cao

Hiện nay, tỉ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc xin trên cả nước là 100% và 48/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng với tỉ lệ tiêm vắc xin cao, đa số ca bệnh của Hà Nội cũng như nhiều địa phương sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này “không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc xin sẽ diễn biến nhẹ khi mắc COVID-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vắc xin, số lượng này không lớn nhưng có”.

Các chuyên gia y tế tiếp tục khẳng định người dân cần thực hiện nghiêm túc 5K trong bất cứ thời điểm nào nếu không sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em.

Ông Phu nhìn nhận khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. “Nếu như trước khi tiêm vắc xin 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Như vậy có thể so sánh tỉ lệ chuyển nặng giảm đi 10 lần nhưng số ca nhiễm lại tăng cao gấp 10 lần. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỉ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỉ lệ tử vong. Khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ, vấn đề quá tải ảo xảy ra do điều tiết y tế không kịp, không chính xác nên hậu quả nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỉ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao”, TS Phu phân tích.

Xem xét tiêm cho người từng chống chỉ định với vắc xin

Ông Phu cũng lưu ý cần soát xét lại những trường hợp hiện nay chưa được tiêm chủng mà chủ yếu nguyên nhân là những người già, những người do chống chỉ định không tiêm chủng trước đây để có thể tiêm nếu có thể được. “Hiện nay số người nhiễm trong cộng đồng tăng cao, yếu tố lây nhiễm theo gia đình đang tăng lên nên những người này dễ nhiễm bệnh hơn trước đây, nên cần tính toán, xem xét để tiêm cho họ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Về vấn đề này, TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Người đã tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh không có vắc xin nào hiệu quả 100% nên vẫn có một tỉ lệ nhất định chuyển biến nặng, thậm chí tử vong. Ngoài ra cần phải xem xét yếu tố cơ địa bệnh nền vì bệnh nhân có thể không chết vì COVID-19 mà chết vì bệnh nền tăng nặng lên”.

Biến thể Omicron có thể gây quá tải hệ thống y tế ảnh 2
MỚI - NÓNG