Một góc của bức tranh Panorama Điện Biên Phủ |
Khéo khen cho viên quan lang xứ Thái năm tít xa trị nhậm phủ Điện Biên này đã có cái sáng ý tâu bẩm với đám quan thày bảo hộ Phú Lãng Sa đồng thuận cho lập đền thơ một nhân thần nổi tiếng nước Nam là Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ngõ hầu mong anh linh ngài coi sóc trấn yểm âm phò hiệp sức với dương trợ giữ yên cho vùng đất biên viễn này! Nghe nói ngôi đền cùng cái cổng tam quan lẫn nghi môn bao năm làm chức phận hương khói đã bị phá trụi cái năm Pháp nhảy dù xuống Điện Biên xây cất Tập đoàn cứ điểm hùng mạnh để chọi nhau với quân của tướng Giáp!
Chợt nhớ đầu tháng 5 năm 1994, theo chân ông Tổng thống Pháp Mitteran lên tham quan Điện Biên Phủ. Ông Tổng thống Pháp quốc ấy không rõ trình độ khảo cổ cùng kiến thức bảo tàng học xôm tụ đến đâu mà đã thực thà bộc bạch thẳng tưng với một quan chức Bộ văn hóa ta đi tháp tùng: Ấy là ông đương tiếc hùi hụi giá như ta sớm kiên quyết khoanh vùng không để dân lấn vào làm nhà ở trong khu di tích như đồi A1, C1 Khu vực hầm De Castries… thì giá trị của những chứng tích của hiện vật và hiệu ứng của trận Điện Biên còn giá trị hơn bây giờ nhiều! Chao ôi, một quá vãng gần còn thế nữa là thứ đã tít mù xa như ngôi đền cùng tam quan Đức Thánh Trần?
Thú thực cũng có chút chút miễn cưỡng khi thực thi phận sự tháp tùng bạn bè đến một nơi cũ, Bảo tàng Điện Biên! Nhưng lại gặp một thứ lạ cùng bất ngờ.
Chúng tôi được Nguyễn Thùy Dương, người của Bảo tàng Điện Biên dẫn đi coi một hạng mục mới của Bảo tàng. Hệ thống tranh 3D về trận Điện Biên Phủ.
Chàng trai Nguyễn Minh Xuân quê Xứ Nghệ, Diễn Thọ Diễn Châu biệt làng và người vợ mới cưới, xung vào Vệ quốc đoàn làm lính Trung đoàn 174 của Hùm xám đường 4 trung tá Đặng Văn Việt. Tạm ngưng những trận huyết chiến trên Mặt trận Đường 4 Lạng Sơn Cao Bằng, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 tiến thẳng lên mặt trận Điện Biên. Đơn vị của Nguyễn Minh Xuân liên tục dự các trận công kiên Đồi A1 tổn thất không nhỏ. May mắn bom đạn trận mạc chỉ làm sứt sẹo thân thể chàng trai Diễn Châu.
Đơn vị Nguyễn Minh Xuân xong trận Điện Biên được lệnh ở lại biến chiến trường xưa thành nông trường quốc doanh. Cuối những năm 50, Xuân về Diễn Châu đưa vợ lên nông trường Điện Biên. Trong số 7 người con, có người con gái sau này lấy chồng ở Điện Biên và trở thành mẹ của Nguyễn Thùy Dương bây giờ. Người chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Minh Xuân, ông ngoại Dương mất năm 2005 ở Điện Biên, thọ gần 80.
Học xong Trường Sư phạm Điện Biên, Thùy Dương trở thành hướng dẫn viên du lịch Bảo tàng.
Tưởng công việc hướng dẫn khách thăm cũng nhàn. Nhưng 7 chị em Nhà Bảo tàng đương phải gánh nhiều việc. Nội việc phân công nhau đi các huyện xa của Điện Biên đến các trường học để chuyện trò, thuyết minh cho các cháu về nội dung và hiện vật Bảo tàng đã khấu đi kha khá thời gian. Rồi còn tổ chức triển lãm ảnh cho các cháu nữa…
Chúng tôi đang chạm mặt với “Trận chiến Điện Biên Phủ” - bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ - được vẽ ngay trên tường của bảo tàng.
Thuyết minh Nguyễn Thùy Dương đang cố vỡ vạc cho khách thăm khái niệm panorama trong hội họa. Người nhiều thành tựu trong lãnh địa này đâu là họa sỹ người Nga Franz Roubau. Ông tác giả bức họa khủng “Trận Borodino” có chiều cao 15m, dài 115m, mô tả cuộc huyết chiến Borodino Pháp - Nga ở ngoại ô Mát-xcơ-va. Kế là bức “Trận Sevastopol” có chiều cao 14m, chiều dài 11m, mô tả trận đánh lớn trong lịch sử chiến tranh giữa quân đội Nga với liên quân Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ...
Và nay ở thành phố Điện Biên, ngay tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gần một năm nay đang dần hình thành và hoàn tất bức tranh khủng mang tên “Trận chiến Điện Biên Phủ”
Khủng vì được coi là bức panorama lớn nhất thế giới!
Xin nói ngay, người viết bài này chả mấy hào sảng cùng sở đắc khi dùng lại cụm từ lớn nhất thế giới, cum từ của trường phái tự sướng và tùy tiện (!?) những bánh chưng bánh dày, chùa chiền, miếu mạo trước nay! Nhưng như nào nhỉ, tầm vóc hoành tráng bi hùng của trận Điện Biên chấn động địa cầu gần 7 thập kỷ trước, nội dung nào cũng phải tìm hình thức mà biểu hiện chứ? Mà chừng như cũng phải nhẽ khi phải dùng, phải sử dụng một loại hình hội họa hiện đại như panorama để thể hiện cùng dung chứa một lát cắt hoành tráng ấy của lịch sử?
Và ở đất nước liên miên các cuộc chiến tranh Vệ quốc này, bức panorama tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ được coi là một thứ tranh panorama lớn nhất về đề tài chiến tranh.
Nguyễn Thùy Dương đang giới thiệu về bức tranh Panorama Điện Biên Phủ |
Tôi chép vội vô sổ biên việc: Panorama Điện Biên Phủ có chiều dài 132m, cao hơn 9m cùng với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.250m².
Tranh được được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu vẽ trên toan.
Lại được biết thêm: Khi xây dựng Bảo tàng Điện Biên Phủ (năm 2012) trong thiết kế đã có một vị trí đặc biệt để thể hiện một bức panorama. Tuy nhiên tại thời điểm đó, Việt Nam chưa đủ năng lực, điều kiện thực loại tranh này (đã mời chuyên gia Nga sang nghiên cứu nhưng không đưa ra được phương án khả thi).
Năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã đề xuất phương án, xây dựng đề cương và phác thảo ý tưởng. Năm 2018 mới chốt được phương án và tháng 11/2019 những nét vẽ đầu tiên của bức tranh “Trận chiến Điện Biên Phủ” mới được triển khai.
4 trường đoạn được cấu thành nên Panorama: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Tạm tính có hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp chững chạc của gần 100 họa sĩ. Tranh được được thể hiện lên toàn bộ bề mặt của không gian hình trụ, có đường kính 42m và mái vòm của công trình.
Liều lượng của những thứ âm thanh, ánh sáng cùng những gam màu không thường của hiệu ứng 3D khiến tôi đôi lúc phải liếc xéo sang người đẹp thuyết minh Thùy Dương cùng đồng nghiệp để đỡ… choáng?
Rồi như giật mình choàng tỉnh khi ở trường đoạn cuối hình ảnh bầu trời rực lửa sau thời điểm khối bộc phá gần 1 tấn phát nổ tại đỉnh đồi A1 làm rung chuyển đất trời…
Rồi cảnh ấn tượng của phút giây lịch sử. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries.
Do vài lý do mà dự kiến Panorama Điện Biên Phủ hoàn thành đúng vào dịp Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ phải lùi lại ít ngày nữa. Nhưng qua Thùy Dương, được biết riêng thời điểm 30/4 và ngày 1/5 năm 2022 mỗi ngày đã co hơn 15.000 du khách tới Bảo tàng tham quan và thưởng lãm Panorama Điện Biên Phủ này.
Một tiêu chí của sức hút và thành công.
Tất nhiên đến thời điểm này du khách tới xem đều được miễn phí. Hỏi lại mức giá vé trù liệu là 100 ngàn đồng/suất liệu có đắt? Nhưng Thùy Dương nhỏ nhẹ rằng, có lẽ không đắt vì vé tham quan cầu kính ở Mộc Châu Sơn La đã 650.000 đồng/suất!
… Tôi mang máng rắp ranh cho mình sẽ có một cuộc đi và gặp một hoặc vài trong số hơn một trăm (100) họa sĩ suốt hơn một năm qua đã từng tham gia vào trận Panorama hoành này...