Gần 42% doanh nghiệp thua lỗ
> Ngân hàng, BĐS: Bỏ vốn 10 đồng không thu nổi 1
> Sau ô tô, ngân hàng ‘bán’ cả…xe máy
Đã có hơn 700.000 doanh nghiệp được khai sinh nhưng số còn hoạt động chỉ đạt hơn 300.000
Ngày 18-4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp (DN) Việt Nam 2012. Số liệu báo cáo cho thấy tỉ lệ DN thua lỗ trong giai đoạn 2002-2011 vẫn rất cao (41,7% vào năm 2011); hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của các DN giảm từ 6,4% (năm 2002) xuống còn 3,6% (năm 2010) là dấu hiệu đáng báo động. Đáng chú ý là trong đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có ROA cao nhất, luôn đạt trên 10%, trái ngược với tỉ lệ khai lỗ cao nhất trong những năm gần đây.
Vấn đề được VCCI báo động là khả năng thanh toán của DN đang kém đi khi chỉ số thanh toán hiện tại và chỉ số thanh toán nhanh đều giảm. Khả năng trả lãi vay ngân hàng cũng giảm dần từ 5 lần xuống 3,5 lần trong các năm 2009 – 2011. Các DN hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay khiến chỉ số nợ lên đến hơn 2,3 lần và luôn lớn hơn giá trị kỳ vọng chuẩn. Trong đó, chỉ số nợ của DN Nhà nước là lớn nhất (ở mức 3,2 lần).
Quan tâm đến việc gần 100.000 DN phá sản trong năm 2012, ông Bùi Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết DN phá sản chủ yếu là tư nhân trong khi đây là khu vực năng động nhất và hoạt động hiệu quả nhất. DN Nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhất thì lại không phá sản, chứng tỏ môi trường kinh doanh chưa bình đẳng.
Một vấn đề đáng lo ngại được bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, nhấn mạnh là DN Việt Nam đang có xu hướng nhỏ đi, quy mô DN siêu nhỏ ngày càng gia tăng và “tiếp tục thiếu hụt DN quy mô vừa, đủ sức đóng vai trò là cầu nối tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu”. Về số lượng, đã có hơn 700.000 DN được khai sinh nhưng DN còn hoạt động chỉ đạt hơn 300.000. Quy mô lao động trong các DN hiện nay chỉ bằng 1/2 so với 10 năm trước, quy mô về vốn tăng lên 2 lần nhưng tính trượt giá thì gần như không có sự thay đổi.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được những DN tầm cỡ, có công nghệ và sản phẩm, dịch vụ cao xứng đáng đại diện cho quốc gia trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam bơm tín dụng quá mạnh, có năm tăng 52% khiến DN bơi trong biển tiền. Chính điều này tạo động lực hoàn toàn sai lầm là hướng DN vào kinh doanh bất động sản, chứng khoán, kinh doanh thân hữu. Có những người sau nửa đêm đã trở thành đại gia vì được phân đất. Nhiều DN giàu nhanh dựa vào phá rừng hoặc tài nguyên, sở hữu bất động sản nên không có năng lực cạnh tranh.
Theo Tô Hà
Người Lao Động