Gái chưa chồng bàng hoàng bị cắt hết 'nhũ hoa' vì căn bệnh này

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Vô tình sờ thấy khối u ở vùng ngực, chị N đến bệnh viện khám ngay thì được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2. Cô gái trẻ chưa chồng bàng hoàng khi khối u lại ở vùng trung tâm, không thể bảo tồn nên phải cắt toàn bộ tuyến vú.

ThS.BS Vũ Anh Tuấn - Khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Chị T. 29 tuổi ở Văn Giang, Hưng Yên là một trong số bệnh nhân phát hiện ung thư vú (UTV) khi tuổi còn rất trẻ. Theo lời kể của bệnh nhân, chị vô tình sờ thấy khối u ở vùng ngực, đến bệnh viện để thăm khám thì được chẩn đoán bị UTV giai đoạn 2. Rất tiếc khối u lại ở vùng trung tâm, tức là ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn được mà phải cắt toàn bộ tuyến vú.

Cũng theo BS. Tuấn: Sau khi phẫu thuật ổn định về, bệnh nhân sẽ bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng toàn thân xem có tổn thương ung thư tái phát ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể thì sẽ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú cho bệnh nhân.

Đối với bệnh nhân UTV giai đoạn sớm và vị trí khối u ở vùng rìa tuyến vú hoặc khối u chưa có biểu hiện xâm lấn thì các bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật bảo tồn, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ. Bảo tồn luôn đi đôi với xạ trị, dùng hóa chất đúng phác đồ, sau đó phải theo dõi và khám định kỳ tốt. Đối với phẫu thuật bảo tồn có ưu điểm là có thể giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình.

Gái chưa chồng bàng hoàng bị cắt hết 'nhũ hoa' vì căn bệnh này ảnh 1

Phim chụp khối u vú của chị T. Ảnh: BV cung cấp

Ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên 1 triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh chuẩn hoá theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỉ gần đây, từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Tỷ lệ mắc mới hằng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% tổng số ca ung thư ở nữ giới.

Trước đây, hầu hết các bệnh nhân phát hiện UTV ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Việc sàng lọc UTV phát hiện những u nhỏ, tổn thương chưa sờ thấy được bằng tay giúp tăng cơ hội điều trị bảo tồn cũng như giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú. Các chuyên gia khẳng định: UTV nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chụp Xquang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc UTV, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.

MỚI - NÓNG