FDI đón 'làn sóng' mới

FDI đón 'làn sóng' mới
TP - E ngại trước thực trạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chững lại, Bộ KH-ĐT đang nghiên cứu xây dựng đề án thu hút FDI cho 10 năm tới.

> Chuyển giá và né thuế

Trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang trở nên khó khăn, việc Tập đoàn Samsung đề xuất tăng vốn đầu tư vào Dự án tổ hợp công nghệ thông tin Samsung tại KCN Yên Phong (Bắc Ninh) lên mức 1,5 tỷ USD được đánh giá là điểm sáng trong việc chuyển hướng thu hút FDI sang lĩnh vực chế tạo.

Với những ưu đãi đặc biệt từ UBND tỉnh Bắc Ninh, Samsung đã quyết định tăng vốn cho dự án Samsung Complex từ mức 670 triệu USD hiện nay lên mức 1,5 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư dẫn đầu trong lĩnh vực điện tử, điện máy tại Việt Nam.

Theo một lãnh đạo của Bộ KH-ĐT, thời gian qua, Samsung đã thu hút được 30 nhà đầu tư vệ tinh với tổng vốn đầu tư lên tới 250 triệu USD vào Bắc Ninh. Dự kiến, Samsung có thể thu hút được tổng cộng 200 nhà đầu tư vệ tinh.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính gộp trong 7 tháng, có 147 dự án FDI đăng ký tăng vốn với số vốn gần 1,42 tỷ USD, giảm 45,8% về số dự án nhưng tăng 0,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Cũng trong 7 tháng đầu năm, giải ngân FDI đạt khoảng 6,3 tỷ USD (mục tiêu đề ra cho cả năm là phải giải ngân được 10 tỷ USD vốn FDI).

Hiện các nhà đầu tư đang quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là công nghiệp chế tạo, những ngành có giá trị gia tăng cao (sản xuất hàng xuất khẩu, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng...).

Để đón làn sóng đầu tư mới, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho hay, đang xây dựng dự thảo đề án để đẩy mạnh các giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong giai đoạn tới.

Theo ông Hoàng, hiện có nhiều nhà đầu tư đang đặt vấn đề muốn vào Việt Nam. Đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, châu Âu. Theo ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, muốn thu hút các dòng FDI có chất lượng, trước hết phải tháo gỡ các nút thắt về nhân lực, cơ sở hạ tầng (điện, đường,… ), các chính sách về thuế đối với doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, phải tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để thúc đẩy giá trị gia tăng trong nước, hạn chế nhập siêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG