Èo uột đầu tư FDI vào nông nghiệp

 Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ hơn 1% tổng đầu tư FDI vào Việt Nam. Ảnh: Sao Mai
Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ hơn 1% tổng đầu tư FDI vào Việt Nam. Ảnh: Sao Mai
TP - Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông thủy sản Việt Nam đã ít, lại teo tóp dần. Nhiều chuyên gia cho rằng, mời nhà đầu tư đến không như một bữa tiệc, ăn xong rồi về, mà nó là một cuộc hôn nhân, sau kỳ trăng mật, cần có quan tâm, chăm sóc lẫn nhau để duy trì cuộc sống gia đình.

Èo uột

Tại hội thảo tham vấn về thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp ngày 19/5 tại Hà Nội, bà Lê Thị Khánh Hòa, đại diện Tập đoàn Syngenta tại Việt Nam cho biết, chính sách đất đai bất cập, đang gây cản trở các nhà đầu tư, nhất là đơn vị làm giống.

3 năm qua, Sygenta đầu tư một Trung tâm sản xuất giống lúa lai, khoảng 5 ha ở Nam Định, nhưng phải làm việc với trên 100 nông dân mới có diện tích đó. Dù có ủng hộ của Chủ tịch tỉnh, nhưng sau 3 năm, chi phí đầu tư đội lên hơn 200 nghìn USD. “Chúng tôi làm trung tâm này cho Việt Nam nhưng đến khi gần làm giống lại mắc ở đất đai. Quy hoạch vùng thế nào cũng chưa có”- bà Hòa nói.

Đó chỉ là một trong những “phàn nàn” về những vướng mắc liên quan đến thu hút nguồn FDI vào nông nghiệp nước ta. Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vừa ít, lại có xu hướng giảm dần vì nhiều cản trở. Tính đến hết tháng 4/2014, có 16.300 dự án FDI được cấp phép đầu tư vào nước ta, với tổng vốn 237 tỷ USD. Tuy nhiên, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ được 503 dự án, chiếm 3,36 tỷ USD, tương đương khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư. Vốn FDI ít nhưng chủ yếu đầu tư vào Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên. Còn các tỉnh vùng sâu, vùng xã hầu như chưa có dự án nào.

“Quan trọng không chỉ đưa chính sách để khuyến khích, mà chính sách rõ ràng, minh bạch, nhất quán, ổn định lâu dài, để nhà đầu tư biết rõ, yên tâm. Không chỉ chính sách đúng, kêu gọi được nhà đầu tư, mà cần đồng hành, hỗ trợ, thường xuyên quan tâm để nhà đầu tư làm ăn hiệu quả lâu dài. Đây không phải bữa tiệc mà cuộc hôn nhân hạnh phúc”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát

Theo ông Cường, các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu đến từ châu Á, nơi có nền công nghệ chưa thực sự phát triển cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các lĩnh vực cũng tập trung vào dự án thu hồi vốn nhanh là chế biến nông sản thực phẩm, lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn gia súc. “Dù có ưu đãi đầu tư, nhưng môi trường kém hấp dẫn nên vẫn chưa hút được những nhà đầu tư từ nền nông nghiệp mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Úc hay các nước EU. Cùng đó sự hỗ trợ của địa phương chưa cao, thậm chí nhiều địa phương để DN làm việc trực tiếp với nông dân, lúc đầu có thể bình thường, nhưng sau dễ xảy ra tranh chấp”- ông Cường thừa nhận.

Theo ông Cường, quan điểm của nhiều địa phương là muốn hút FDI vào khu công nghiệp, và nông nghiệp gần như bị bỏ quên. Có nơi tổ chức các buổi tiếp xúc, kêu gọi thu hút, nhưng làm chưa đến nơi đến chốn.

Cởi nút thắt thế nào?

Ông Chris Jackson, Trưởng bộ phận NN&PTNT của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, FDI là lực đòn bẩy cho Việt Nam. Để làm được điều này, cần phải đánh đổi nhất định. “Đầu tư nước ngoài như cuộc hôn nhân, không phải như bữa tiệc, người ta chỉ ăn một bữa. Nó không chỉ là thời kỳ trăng mật, mà cả cuộc sống gia đình sau này nữa. Quá trình thực hiện dự án, không phải chỉ cần giấy phép đầu tư, nhà nước cần có sự đồng hành, giúp đỡ họ”- ông nói.

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, vấn đề là Việt Nam cần có doanh nghiệp đủ lớn, làm đối tác tin cậy với nhà đầu tư. “Một số nhà đầu tư Ấn Độ đầu tư vào mía đường nước ta đến gặp tôi kêu khóc, rằng họ đầu tư, cung ứng cho các ông giống, phân bón, đến khi thu hoạch, thì các ông lại bán ra ngoài, họ không biết túm lấy ông nào. Những chuyện này, cần phương án giải quyết rõ ràng” – ông Doanh nói.

Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu làm được điều trên, thì giải quyết được bài toán chuỗi giá trị. Vấn đề ai được thu mua nông sản của nông dân sẽ được giải quyết. Ai đầu tư sẽ được thu mua phần anh đã đầu tư, sau đó anh chịu trách nhiệm chế biến, xuất khẩu. Từ đó, cũng tránh được chuyện hàng trăm, nghìn xe dưa hấu của ta chờ chực ở cửa khẩu. Nếu Trung Quốc không nhập thì lại thối, đổ đi.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, thời gian qua, vốn FDI thấp vì môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn. Đây là thách thức mà Việt Nam phải nghiên cứu. Cùng đó là chính sách thủ tục hành chính, kể cả an ninh trật tự. “Chúng tôi thực sự rút kinh nghiệm từ những vụ việc như ở Bình Dương, Hà Tĩnh, phải quan tâm sâu sát, để không xẩy ra tình huống như vừa qua, để nhà đầu tư yên tâm”- ông Phát nói.

MỚI - NÓNG