Theo kế hoạch, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử nghiệm vào đầu tháng 10/2017. Dự kiến, sau thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng, từ quý II/2018 dự án sẽ đưa vào khai thác chính thức. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT (chủ đầu tư) cho biết, do đang gặp khó khăn về vốn nên dự án chưa thể hoàn thiện hạng mục mua sắm thiết bị (đoàn tàu), dẫn đến kế hoạch vận hành thử nghiệm trong tháng 10 chưa thực hiện được.
Tính đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này “đội vốn” hơn 300 triệu USD so với kế hoạch phê duyệt ban đầu. Số vốn tăng thêm này hiện chủ đầu tư đang đàm phán với đối tác Trung Quốc để được giải ngân, hoàn thiện dự án. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thiện việc thi công với 95% phần xây lắp đã xong, 5% còn lại chủ yếu chờ hạng mục mua sắm thiết bị, trong đó cẩu lắp 13 đoàn tàu tại vị trí de-po, lắp đặt thang máy ở 12 ga trên cao… để hoàn thiện nốt.
Tuy gói mua sắm 13 đoàn tàu nằm trong khoản vốn tăng thêm chưa được phía cho vay vốn giải ngân, nhưng Chính phủ đã cho phép Bộ GTVT linh động sử dụng trước một số nguồn vốn của dự án để hoàn thiện một số hạng mục xây lắp trong đó có việc giải ngân để nhập 3 trong số 13 đoàn tàu về vừa qua.
Liên quan đến kế hoạch chạy tàu thử nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng nếu chưa nhập đủ cả 13 đoàn tàu thì 3 đoàn tàu đã nhập về chủ đầu tư có thể tổ chức chạy kỹ thuật trước? Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng, về mặt pháp lý, dự án có hợp đồng là EPC, do vậy nhà thầu thực hiện trọn gói cả xây lắp và lắp đặt thiết bị. Do vậy, khi đã thử kỹ thuật là thử cả đường ray, thử tất cả các đoàn tàu này, không thể vận hành thử kỹ thuật một số hạng mục hoặc một số đoàn tàu rồi nghiệm thu riêng lẻ. Về kỹ thuật, các đoàn tàu của dự án chạy tự động và có kết nối liên hoàn với nhau, do vậy đoàn trước đi đến đâu thì đoàn sau tự động di chuyển theo đến đó. Quy trình này nhằm đảm bảo để tàu hoạt động liên thông, đảm bảo khoảng cách và thời gian theo lập trình.
“Theo thiết kế, thời gian hoạt động của đoàn tàu trên tuyến có tần suất từ 5 đến 10 phút/chuyến; để đảm bảo được tần suất này dự án cần 13 đoàn tàu hoạt động liên tục theo mắt xích vòng tròn. Do vậy, để vận hành thử nghiệm cũng như hoạt động thương mại về sau dự án cần có đủ cả 13 đoàn tàu thì mới hoạt động được”, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt nhấn mạnh.