Theo Bộ GD&ĐT, trước diễn biến phức tạp của COVID-19, trong thời gian học sinh phải nghỉ học ở trường, Bộ đã yêu cầu các Sở tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, trên truyền hình để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông năm học 2019-2020.
Để dạy học qua internet, Bộ GD&ĐT yêu cầu bài học và học liệu phải được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông theo các quy định, hướng dẫn của Bộ.
Bài học đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học; Được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
Trong đó, giáo viên, phải có kĩ năng xây dựng và lựa chọn học liệu; biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua Internet.
Giáo viên tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua Internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, học sinh phải được hướng dẫn về kỹ năng sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trên Internet trước khi tham gia bài học; Thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.
Ngoài ra, gia đình học sinh có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua Inter net của học sinh; Phối hợp, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá.
Về dạy học truyền hình
Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT thiết kế bài học trên truyền hình do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ.
Học liệu được sử dụng trong dạy học bao gồm SGK, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học trên truyền hình, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học; Được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
Các nhà trường thông báo thời khoá biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, gia đình học sinh để phối hợp tổ chức cho học sinh học các bài học trên truyền hình.
Để dạy học trên truyền hình, giáo viên gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh theo các bài học trước khi bài học được phát trên truyền hình; liên hệ với gia đình để phối hợp tổ chức, hướng dẫn, giám sát học sinh học tập trên truyền hình.
Ngoài ra, giáo viên phải kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh.
Cha mẹ học sinh phối hợp với giáo viên để hỗ trợ các con tiếp nhận nhiệm vụ, tài liệu hướng dẫn học theo bài học cũng như giám sát, hỗ trợ học sinh thực hiện các bài học trên truyền hình.
Kiểm tra định kỳ phải thực hiện trên lớp
Về đánh giá thường xuyên, trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet, truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua Internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.
Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, THCS, THPT.
Đối với bài kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ phải được thực hiện khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.