Dụng ý của Triều Tiên khi phóng tên lửa hành trình

0:00 / 0:00
0:00
Người Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa Triều Tiên Ảnh: AP
Người Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng tên lửa Triều Tiên Ảnh: AP
TP - Vài giờ sau thông báo của Triều Tiên, Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố vụ phóng tên lửa hành trình mới nhất (hôm 11-12/9) là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục tham vọng chương trình hạt nhân, gây ra mối đe dọa cho khu vực và thế giới.

Tên lửa hành trình, được Bình Nhưỡng gọi là “vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng”, di chuyển trong khoảng 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trên lãnh thổ và vùng biển Triều Tiên, sau đó bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km. “Đây sẽ là tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên được chỉ định một cách rõ ràng về vai trò chiến lược”, Ankit Panda, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), nhận định.

Hiện chưa rõ Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa hành trình hay chưa, nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi đầu năm cho biết đây là mục tiêu hàng đầu của nước này.

Hồi tháng 3, Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra biển. Trước đó, Triều Tiên phóng tên lửa hành trình chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức cuối tháng 1. “Các vụ phóng tên lửa cho thấy chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn tiến triển bất chấp bế tắc trong các cuộc đàm phán với Mỹ”, AP dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ.

Hàn Quốc không cho biết quân đội nước này có kịp thời phát hiện ra vụ thử hay không. Chính quyền Seoul thường công bố thông tin về các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên gần như ngay lập tức, nhưng không làm điều tương tự với vụ phóng mới nhất, theo Reuters.

Tên lửa hành trình của Triều Tiên thường ít được quan tâm hơn tên lửa đạn đạo vì loại vũ khí này không bị cấm một cách rõ ràng theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, theo GS Jeffrey Lewis, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (Mỹ), phát triển tên lửa hành trình tấn công đất liền tầm trung là một khả năng đáng chú ý của Triều Tiên. “Đây là một hệ thống tên lửa được thiết kế để bay dưới hoặc bay vòng qua tầm hoạt động các radar phòng thủ tên lửa”.

GS Park Won-gon chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Nữ sinh Ewha (Hàn Quốc) nhận định, vụ phóng tên lửa lần này là hành động phản ứng cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng 8. Ông Park cho rằng Triều Tiên chọn phóng tên lửa hành trình để không gây khiêu khích Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sắp thăm Hàn Quốc (ngày 14/9), theo Yonhap.

MỚI - NÓNG