Tên lửa đã bay 1.500km trước khi trúng mục tiêu và rơi xuống vùng biển thuộc chủ quyền của nước này trong hai ngày 11-12/9, KNCA đưa tin.
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn hồi tháng 3. Đó cũng là lần đầu tiên Triều Tiên thử tên lửa hành trình sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1.
Vụ phóng thử mới nhất cho thấy tiến bộ trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, diễn ra trong bối cảnh những đàm phán nhằm tiến tới dỡ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên để đối lấy nới lỏng trừng phạt của Mỹ vẫn bế tắc từ năm 2019.
Tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun đăng các bức ảnh tên lửa hành trình bay và được phóng từ bệ phóng di động.
Tên lửa này là một loại vũ khí chiến lược được phát triển trong 2 năm qua và là nhân tố chủ chốt trong kế hoạch 5 năm được đề ra từ tháng 1 để thúc đẩy kho vũ khí và khoa học quốc phòng, KCNA viết.
Hãng thông tấn này nhấn mạnh vụ thử lần này mang lại “ý nghĩa chiến lược khi sở hữu phương tiện răn đe hiệu quả để bảo đảm an ninh đáng tin cậy hơn và kiềm chế mạnh hơn những cuộc diễn tập quân sự của các thế lực thù địch”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như không có mặt trong buổi phóng thử. KCNA viết rằng rằng ông Pak Jong Chun, uỷ viên Bộ Chính trị và Bí thư trung ương Đảng đã giám sát hoạt động này.
Triều Tiên từ lâu vẫn cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc có “chính sách thù địch” với Bình Nhưỡng”.
Vụ thử lần này được công bố chỉ 1 ngày trước khi các nhà đàm phán hạt nhân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gặp nhau ở Tokyo để tìm các biện pháp ứng xử với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ thăm Seoul trong ngày mai (14/9) để gặp người đồng cấp Chung Eui-yong.
Chính quyền Biden nói sẵn sàng tiến hành các hoạt động ngoại giao để phi hạt nhân hoá Triều Tiên, nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện sẵn sàng nới lỏng trừng phạt.
Sung Kim, phái viên của Mỹ về Triều Tiên, phát biểu hồi tháng 8 tại Seoul rằng ông sẵn sàng gặp các quan chức Triều Tiên ở “bất kỳ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào”.
Việc nối lại các đường dây nóng liên Triều hồi tháng 7 làm dấy lên hy vọng các bên sớm nối lại đàm phán, nhưng Triều Tiên đã dừng nhận cuộc gọi từ khi cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra trong tháng này. Bình Nhưỡng cảnh báo rằng hoạt động đó có thể gây ra khủng hoảng an ninh.