Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, tại kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45, năm 2019, đoàn Việt Nam đã đạt kết quả tốt nhất từ trước tới nay, khi lần đầu tiên có Huy chương Bạc. Theo ông Dũng, ngày nay, phát triển kỹ năng nghề không chỉ các nước đang phát triển, các nước phát triển cũng rất quan tậm, khi đây đã trở thành công chuyện toàn cầu.
Điều trên thể hiện rõ qua kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45, năm 2019, khi số thành viên đăng ký tham lên 82 quốc gia, với 62 quốc gia cử thí sinh dự thi chính thức, nhiều nhất từ trước tới nay.
Với Việt Nam, theo ông Dũng, kỳ thi tay nghề quốc gia đầu tiên tổ chức năm 2001, và cùng năm này đi dự thi ASEAN, tới năm 2007 lần đầu tiên Việt Nam dự thi tay nghề thế giới. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam liên tục nằm trong Top 3 nước dẫn đầu. Với kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam cũng liên tục thăng tiến, năm 2017 lần đầu tiên có Huy chương Đồng, thì năm 2019 đã có Huy chương Bạc và nhiều Chứng chỉ nghề xuất sắc.
“Có được những kết quả đó là sự nỗ lực của các em thí sinh, chuyên gia, các trường nghề, nhà tài trợ. Kết quả đó cũng ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam”, ông Dũng nói.
Tuy vậy, lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng cho rằng, so với thế giới, khu vực, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Do đó, thông qua kỳ thi tay nghề, đào tạo nghề của Việt Nam cần rút ra được những bài học từ các quốc gia tham dự, với nhiều nước rất thành công, như Hàn Quốc, Nhật Bản... Để từ đó đưa vào chương trình đào tạo nghề trong nước, hay việc huấn luyện thí sinh dự thi tay nghề.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp Trương Anh Dũng
Ông Dũng cho biết, trong 5-10 năm tới, khoảng 44% lao động trẻ toàn cầu sẽ phải đào tạo lại kỹ năng nghề để ứng với với cách mạng 4.0, số hóa, robot, trí tuệ nhân tạo... Trong khi ở Việt Nam, vẫn đề này còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có chiến lược quốc gia. Do đó, kỹ năng nghề cần được định hướng chiến lược dài hơn.
Chuyên gia Bùi Đình Tiền (Đại học Công nghiệp TPHCM) cho rằng, từ kinh nghiệm nhiều năm đào tạo thí sinh dự thi tay nghề khu vực và thế giới, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần bổ sống một số nội dung như: Đổi mới chương trình và phương thức giảng dạy theo công nghệ hiện tại và xu hướng công nghệ toàn cầu. Mời chuyên gia giỏi từ các nước để chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên, giảng viên, cũng như tham gia xây dựng chương trình và giảng dạy.
Bên cạnh đó, theo ông Tiền, các trường nghề bên cạnh nâng cao kỹ năng chuyên môn cần trang bị thêm các kỹ năng mềm; Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động; Nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; Nâng cao kỹ năng hội nhập và toàn cầu hóa (như ngoại ngữ, tin học, thái độ tích cực)...
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp) cho biết, để nâng cao chất lượng thí sinh dự thi tay nghề của Việt Nam, cần đổi mới cách thức tuyển chọn, đào tạo, cách thức tổ chức thi tay nghề hiện nay. Theo đó, Việt Nam có thể hình thành các trung tâm luyện thí sinh gắn với công tác đánh giá, cấp chứng chỉ, phát động phong trào nâng cao tay nghề từ nhà trường, doanh nghiệp.
Các đại biểu tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thi tay nghề do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức ngày 25/10
Với Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ 11, năm 2020, theo ông Trường, có thể thực hiện ngay việc tăng thời gian làm bài thi để tiệm cận với độ khó, độ phức tạp của kỳ thi tay nghề ASEAN và thế giới; Thí điểm mời chuyên gia, doanh nghiệp ra đề thi và chấm bài thi; Có chính sách khuyến khích, thu hút thí sinh có tay nghề tham gia thi kỳ thi quốc gia; Đa dạng nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho công tác tổ chức thi...
Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ 11 dự kiến diễn ra vào tháng 3/2020. Các thí sinh đạt kết quả tốt tại Kỳ thi quốc gia sẽ được tuyển chọn tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 13 tại Singapore, và Kỳ thi tay nghề thế giới tại Trung Quốc.