Đừng dọa chim báo bão

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong một cuộc điều tra, nhà báo lành nghề thường phải vẽ được “hệ sinh thái” với nhằng nhịt mối quan hệ của đối tượng. Biết tường tận để chọn công-thủ lúc nào.

Thường giữa vài tầng nấc quan hệ đó, lớp ngoài cùng và lộ nhất là những đối tượng manh động. “Trùm” luôn ẩn trong hang sâu, dưới các vỏ bọc khác nhau.

Trường hợp “dọa giết cả nhà”, “giết tức khắc” phóng viên Tiền Phong, rõ ràng chỉ là “tay chân” manh động. Dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Đông TP Buôn Ma Thuột dài gần 40 Km (tổng trị giá đầu tư hơn 1.500 tỷ) là điển hình của sự chậm tiến độ, đội vốn. Nay, quá trình thi công lại phát sinh chuyện mua đất tùy tiện đổ làm nền đường. Việc gian dối này có thể giúp đơn vị thi công bỏ túi tiền chênh lệnh, thay vì mua đất tại mỏ đạt tiêu chuẩn với giá cao. Nếu báo chí không phanh phui sự việc, thử hỏi chất lượng con đường sẽ ra sao?

Đừng dọa chim báo bão ảnh 1

Tác giả

Đương nhiên, lúc này nhà báo đã đụng đến “nồi cơm” của nhiều đối tượng. Vấn đề ở chỗ, nhà báo bằng trách nhiệm đã từng báo cho những người đứng đầu từ cấp xã tới huyện (Cư Kuin-Đắk Lắk) khi phát hiện sự việc. Thế nhưng, thay vì hợp tác để tìm hướng xử lý thì nhận được sự tảng lờ. Sự tảng lờ này có thể là tê liệt hoặc thông đồng với kẻ xấu. Bởi vì ngay trên địa bàn này thôi đã diễn ra nhiều vụ việc bị Báo Tiền Phong phản ánh và hầu hết đều lẩn tránh trách nhiệm. Đỉnh điểm, khi mới đây, nhà báo sau khi làm việc với đại diện chính quyền xã, đêm về đã nhận ngay cú điện thoại dọa giết.

Có thể kẻ dọa giết (với số điện thoại định danh) sẽ bị xử phạt đến 100 triệu đồng qua hành vi có lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) như Nghị định 14 (năm 2022) quy định. Tuy nhiên, đây chỉ là việc nhỏ. Chuyện lớn hơn là chất lượng con đường quốc gia hàng nghìn tỷ đồng và những mắt xích từ “đầu gấu”, tới đơn vị thi công, thậm chí chính quyền địa phương… Tại Đắk Lắk, Lâm Đồng nơi có dự án khác (Đường Trường Sơn Đông) đi qua cũng từng gây ra cảnh ngang trái: Nhiều diện tích rừng đặc dụng bị san ủi khi chưa được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng.

Không riêng công trình qua tỉnh này, các công trình khác đang được hối thúc tiến độ trên khắp cả nước, liệu có cảnh thao túng ngầm hay “vô pháp, vô thiên” tương tự? Câu hỏi này, những người có trách nhiệm cần trả lời, thay vì co rúm sợ hãi như đang diễn ra ở một số địa phương, bộ ngành.

Trong chức phận của mình, nhà báo phần nào giống chim báo bão. Loài chim với khả năng báo trước mối nguy nan để con người né tránh, giảm thiểu thiệt hại. Luật Báo chí và nhiều văn bản dưới luật đã quy định rõ từng hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề báo. Nên nhớ, trong công cuộc phòng chống tham nhũng, có phần đóng góp không nhỏ của lực lượng báo chí. Do đó, hãy bảo vệ chim báo bão!

MỚI - NÓNG