Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra (TCCQĐT) đang được hoàn thiện. Theo nhiều chuyên gia, dự thảo còn thiếu những quy định mới nhằm hạn chế tối đa làm oan người vô tội.
Vài điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật TCCQĐT so với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự 2004: CQĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ sẽ nhập với CQĐT tội phạm về tham nhũng (thực ra hai cơ quan này trước đây là một); Ngoài các chức danh tư pháp “thủ trưởng”, “phó thủ trưởng”, “điều tra viên”, có thêm “trợ lý điều tra”; Điểm nữa gây tranh cãi, cho phép công an cấp xã tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu (người ta lo ngại công an xã thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cơ chế giám sát, thêm quyền sẽ thêm cơ hội lạm quyền).
Theo nhiều chuyên gia, Luật TCCQĐT cần đưa ra những định nghĩa cơ bản của hoạt động điều tra, đồng thời đề ra những quy định nhằm hạn chế, khắc phục những bất cập trong hoạt động điều tra hiện nay.
Nguyên tắc suy đoán vô tội
Hoạt động điều tra giữ vai trò nền tảng trong quá trình tố tụng hình sự gồm điều tra - truy tố - xét xử - thi hành án. Tuy nhiên, định nghĩa thế nào là “hoạt động điều tra”, đang có sự thiếu thống nhất giữa các nhà làm luật.
“Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của Bộ luật này”.
Điều 11 Bộ luật Tố tụng Hình sự
Theo một số điều của Bộ luật TTHS như Điều 10 (xác định sự thật của vụ án), Điều 63 (những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự), Điều 65 (thu thập chứng cứ), Điều 66 (đánh giá chứng cứ), “hoạt động điều tra” liên quan chặt chẽ đến thu thập, đánh giá “chứng cứ”. Tuy nhiên, định nghĩa “chứng cứ” là “những gì có thật” theo Điều 64 Bộ luật TTHS lại gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng định nghĩa như vậy khiến hoạt động điều tra được hiểu là hoạt động thu thập chứng cứ - chứng minh tội phạm, trong khi cần xác định đây chỉ là giai đoạn thu thập nguồn chứng cứ phục vụ cho việc chứng minh tội phạm ở các giai đoạn tố tụng tiếp theo.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, để làm rõ khái niệm “hoạt động điều tra”, trước hết cần định nghĩa “dấu hiệu tội phạm”, “dấu vết tội phạm”, “nguồn chứng cứ”, đồng thời cần có thêm hoặc làm rõ thêm các khái niệm “người bị tình nghi”, “người bị oan”. Những khái niệm này nhằm cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời giúp phân định rõ các hoạt động điều tra như trinh sát (phát hiện dấu hiệu tội phạm), điều tra tiền tố tụng (làm rõ dấu hiệu tội phạm), điều tra tố tụng (thu thập dấu vết tội phạm).
Khi làm rõ những khái niệm trên, “hoạt động điều tra” sẽ được hiểu là quá trình phát hiện dấu hiệu tội phạm, thu thập dấu vết tội phạm, làm tiền đề cho việc chứng minh tội phạm ở các khâu tố tụng tiếp theo. Điều này giúp tránh lạm dụng bắt khẩn cấp, lạm dụng tạm giam người bị tình nghi, khi dấu vết tội phạm chưa rõ hoặc chưa được thu thập đầy đủ, dẫn đến làm oan người vô tội.
Không có thêm Nguyễn Thanh Chấn
Thực tiễn hoạt động tố tụng hình sự những năm qua cho thấy ở những vụ án oan - điển hình là vụ án Nguyễn Thanh Chấn - đều đã xảy ra những vi phạm tố tụng ở mức độ nghiêm trọng, tập trung ở giai đoạn điều tra. Điều này cho thấy chức năng kiểm sát hoạt động điều tra của Viện kiểm sát chưa được thực hiện tốt. Vì vậy, đông đảo người dân hy vọng việc ban hành Luật TCCQĐT (cũng như việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS) sẽ góp phần tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát đối với hoạt động điều tra.
Một trong những chế định quan trọng của Bộ luật TTHS nhằm giám sát hoạt động điều tra, bảo vệ các quyền cơ bản của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can (gọi chung là người bị tình nghi), hạn chế việc mớm cung, bức cung, nhục hình, đó là chế định về quyền bào chữa. Rất tiếc là trong Dự thảo Luật TCCQĐT, hoàn toàn chưa có quy định CQĐT phải tuyệt đối tôn trọng quyền bào chữa của người bị tình nghi, đồng thời đặt ra chế tài xử lý các hành vi xúi giục, bắt ép người bị tình nghi từ chối luật sư; nại ra lý do để cản trở luật sư có mặt trong các hoạt động điều tra…
Việc hợp tác giữa CQĐT và các cơ quan truyền thông đại chúng đã và đang đem lại những kết quả tốt trong hoạt động phòng chống tội phạm. Báo chí vừa là nguồn thông tin tội phạm, vừa là nguồn động viên, cổ vũ hoạt động phòng chống tội phạm. Bên cạnh đó, báo chí còn là một kênh quan trọng để nhân dân, các đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc thực hiện quyền giám sát hoạt động điều tra, đã được hiến định và luật định.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, vấn đề hợp tác giữa CQĐT và các cơ quan truyền thông cũng cần được đưa vào dự thảo Luật TCCQĐT, ví dụ như quy định về xử lý thông tin tội phạm trên báo chí, quy định về việc CQĐT họp báo, trả lời phỏng vấn, cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông.