Giám sát của Quốc hội năm 2015: Nóng án oan sai, đất đai lãng phí

Đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao, ngày 9/6. Ảnh: Hoàng Long (Đại Đoàn Kết)
Đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao, ngày 9/6. Ảnh: Hoàng Long (Đại Đoàn Kết)
TP - Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận, lựa chọn 2 trong 3 nội dung để giám sát trong năm 2015.

Chuyên đề 1 về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan; chuyên đề 2, kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO); chuyên đề 3 về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh (giai đoạn 2004-2014). Nhiều ĐB đề nghị chọn chuyên đề 1 và 3 bởi đây là hai nhóm vấn đề “nóng”, gây bức xúc xã hội, cần sớm giải quyết.

Theo ĐB Trần Du Lịch, dù giám sát gì cũng cần phải siết kỷ cương, đừng để làm xong đâu lại vào đó. Kỷ cương giám sát rất quan trọng, không để ai muốn đi thì đi, rảnh thì tham gia còn bận thì ở nhà. “Phải có quy chế ngay từ đầu. Đồng thời, cần giám sát kết quả giám sát, để kết quả giám sát không giống như chúng ta “bắn chỉ thiên lên trời” - ĐB Lịch phát biểu.

Một số ĐB cho biết, chuyên đề giám sát kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO cũng là vấn đề nóng. Theo ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên), nên giám sát về sử dụng vốn ODA. Bởi những vụ tiêu cực liên quan đến ODA, từ các PMU, đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, đến JTC, đều kết thúc bằng một vụ án hình sự, có người vào tù, có người bị kỷ luật, nhưng những bất cập trên vẫn còn.

Tuy nhiên, một số ĐB cho rằng, chuyên đề trên nên giao cho các Ủy ban của Quốc hội, để Quốc hội tập trung chuyên đề 1 và 3 nêu trên.

MỚI - NÓNG