Bộ trưởng Tài chính sẽ trả lời gì trước Quốc hội?

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng.
TPO - Theo chương trình kỳ họp Quốc hội, chiều mai (10/6), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là “Tư lệnh” ngành đầu tiên mở màn phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Dành khoảng 20% tổng thu ngân sách để trả nợ

Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Tài chính là vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Trong báo cáo vừa gửi đến các đại biểu trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013). Như vậy, nợ công hiện vẫn ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.

Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.

Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2- 5 năm.

“Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn”, ông Dũng cho biết.

Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại (NHTM) trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Hiện nay phạm vi nợ công của phần lớn các nước bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Hiện nay, các khoản nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Về khả năng cân đối nguồn trả nợ, Bộ Tài chính cho rằng, nhiệm vụ thu Ngân sách phải đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển ngành tài chính đến 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong đó phải đạt tăng thu 12%-14%/ năm; cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu NSNN để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quá, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại. Nâng cao hiệu quả Quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại; định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời và cơ cấu lại nợ một cách hiệu quả.

Bộ Tài chính khẳng định, nỗ lực thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi NSNN so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết. Trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ. Có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm), lãi suất phù hợp với chỉ số lạm phát hiện nay...

Nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan Thuế, Hải quan đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, trốn thuế, chống chuyển giá...; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra, chống rửa tiền, quản lý thị trường, chống buôn lậu...) tăng cường công tác quản lý thu, đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hoàn thuế sai quyết định, truy thu, truy hoàn cho NSNN.

Năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra gần 64,7 nghìn doanh nghiệp (tăng 8,8% so với năm 2012), qua đó quyết định thu vào ngân sách 13,62 nghìn tỷ đồng (đã thu vào ngân sách gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012); yêu cầu doanh nghiệp giảm khấu trừ, giảm lỗ 16,03 nghìn tỷ đồng; tổ chức đôn đốc, cưỡng chế xử lý nợ đọng thuế được 55% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2012, hạn chế phát sinh nợ mới; đồng thời chuyển hồ sơ 67 trường hợp sang cơ quan công an để điều tra xử lý vi phạm hình sự.

Cơ quan Hải quan đã tiến hành trên 2,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu trên 1,6 nghìn tỷ đồng (đã thu vào NSNN trên 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2012); đã phát hiện, bắt giữ 22 nghìn vụ buôn lậu, xử lý thu nộp ngân sách gần 150 tỷ đồng; xử lý thu hồi trên 1,8 nghìn tỷ đồng nợ đọng của các tờ khai phát sinh đến cuối năm 2012.

“Mặc dù vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện (đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ thuế ước tăng 23,9% so với thời điểm 31/12/2012); trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp khó khăn phải nợ thuế”, Bộ Tài chính cho biết.

Để khắc phục, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế; Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; Bố trí cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ ở cơ quan thuế các cấp; Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác hiện đại hoá, kê khai thuế qua mạng, phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế.

Kiểm tra 361 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá

Đánh giá về tình trạng chuyển giá, Bộ Tài chính cho rằng, hành vi chuyển giá là các hoạt động chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình, tài sản vô hình, chuyển giao dịch vụ và cho vay hoặc đi vay không tính lãi hoặc tính lãi suất cao hơn hoặc thấp hơn lãi suất thông thường trên thị trường giữa các bên có quan hệ liên kết.

Hành vi chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước; tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam, làm méo mó kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và mất công bằng trong chấp hành pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp; thôn tính cổ đông nội địa.

Năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tăng 66,4% so với năm 2012; đã truy thu, truy hoàn, phạt là 988,1 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2012; giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng; giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 361 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; đã truy thu, truy hoàn và xử phạt là 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.232,5tỷ đồng.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chống chuyển giá, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra nhiều giải pháp, gồm: xây dựng quy định và quy trình phù hợp, hiệu quả hơn về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chống hoạt động chuyển giá; Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin quản lý giá chuyển nhượng tập trung thống nhất trong cả nước; Tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp.

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.