Đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng về biển Đông

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng, Thủ tướng có thể trả lời hoặc ủy quyền cho một phó thủ tướng trả lời về vấn đề biển Đông. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng, Thủ tướng có thể trả lời hoặc ủy quyền cho một phó thủ tướng trả lời về vấn đề biển Đông. Ảnh: Nguyễn Tuấn
TP - Ngày 6/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiều đại biểu QH đã gửi câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tình hình biển Đông.

“Tuy nhiên, theo thông lệ, kỳ họp giữa năm một phó thủ tướng sẽ đăng đàn, và khả năng phó thủ tướng sẽ trả lời vấn đề này”, ông Phúc nói. 

Theo ông Phúc, QH đã tổng hợp câu hỏi và đề nghị của các đại biểu (ĐB) muốn Thủ tướng Chính phủ trả lời về tình hình biển Đông cũng như giải pháp của Chính phủ.

Tuy nhiên, Thủ tướng đã nhiều lần thể hiện rõ quan điểm của chúng ta về vấn đề biển Đông tại nhiều diễn đàn, cả trong nước và quốc tế rồi, nên khả năng một phó thủ tướng sẽ trả lời. 

QH đã quyết định chọn 4 bộ trưởng trả lời chất vấn (diễn ra từ 10-12/6), gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh.

Thưa ông, các vị bộ trưởng sẽ trả lời những vấn đề gì cử tri, đại biểu quan tâm?

ĐB tập trung chất vấn 4 vị bộ trưởng về các nhóm vấn đề thuộc chức năng quản lý của từng ngành. Bộ trưởng Tài chính sẽ trả lời chất vấn về vấn đề đầu tư công, quản lý, kiểm soát đầu tư công, giá cả thị trường, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu; thuế, chống thất thu thuế, chuyển giá; đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Cùng phối hợp trả lời chất vấn với Bộ trưởng Tài chính còn có đại diện các Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương…

Bộ trưởng GD&ĐT tập trung vào vấn đề chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là chất lượng đào tạo đại học, chất lượng dạy nghề, vấn đề sinh viên ra trường không có việc làm, trách nhiệm của bộ; đề án đổi mới giáo dục, trong đó có vấn đề đổi mới sách giáo khoa.

Bộ trưởng Tư pháp sẽ trả lời các chất vấn liên quan đến công tác triển khai thực thi Hiến pháp mới; vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất văn bản luật, chất lượng văn bản pháp luật; hướng dẫn tổ chức các luật để đi vào thực tiễn cuộc sống; vấn đề thi hành án dân sự.

Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời nhóm vấn đề về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng; phòng chống tham nhũng - hiệu quả và giải pháp; phòng chống tham nhũng trong nội bộ ngành Thanh tra.

Về tình hình biển Đông, vì sao QH không đề nghị bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao trả lời chất vấn, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm?

Một trong những tiêu chí để lựa chọn bộ trưởng đăng đàn đó là lĩnh vực thuộc bộ ngành đó quản lý có nhiều vấn đề bức xúc, có nhiều ĐB có ý kiến chất vấn.

Bên cạnh đó, ưu tiên những vị bộ trưởng từ đầu nhiệm kỳ chưa trả lời chất vấn lần nào; cân đối hài hòa các nhóm vấn đề về kinh tế, xã hội, tư pháp… ĐBQH căn cứ vào những tiêu chí đó để lựa chọn khi nhận được phiếu thăm dò.

Đoàn thư ký kỳ họp sẽ trên cơ sở kết quả tổng hợp số phiếu thăm dò đó, từ cao xuống thấp để lựa chọn vấn đề theo tiêu chí như đã nêu trên, để báo cáo Thường vụ QH. Muốn chất vấn một bộ trưởng phải được ĐBQH đồng tình.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Bộ Y tế có nhiều vấn đề bức xúc, tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế đã trả lời chất vấn rồi. Bên cạnh đó, tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Y tế đã trả lời chất vấn trước Thường vụ QH và cũng được truyền hình trực tiếp, cho nên lần này sẽ không chất vấn nữa. “Tại kỳ họp này, các chất vấn của ĐB dành cho Bộ trưởng Tài chính là nhiều nhất, tiếp đến là Bộ trưởng GD&ĐT”, ông Phúc nói.

MỚI - NÓNG