17 năm oan sai, một nông dân được tòa xin lỗi

Ông Phạm Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng bắt tay xin lỗi ông Cầu
Ông Phạm Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng bắt tay xin lỗi ông Cầu
TP - Sáng 28/3, tại trụ sở UBND xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng), TAND TP Hải Phòng đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Hồng Cầu (50 tuổi, trú xã Đông Hưng) vì đã kết án oan 2 tháng 10 ngày đối với ông về tội trộm cắp tài sản.

Công khai trong… phòng kín

Buổi xin lỗi công khai được thực hiện tại phòng họp tầng 2 trong trụ sở UBND xã Đông Hưng, có mặt của đại diện đoàn thể, chính quyền địa phương. Ông Phạm Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng đã thừa nhận việc kết án của TAND TP Hải Phòng đối với ông Cầu là không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho ông. Ông Tuyên thay mặt TAND TP Hải Phòng gửi lời xin lỗi đến ông Cầu, đồng thời, đề nghị chính quyền, đoàn thể khôi phục danh dự cho ông.

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân đã tỏ ra bức xúc trước việc tổ chức xin lỗi công khai trong… phòng kín. Cổng trụ sở UBND xã được đóng chặt, công an xã, bảo vệ kiểm soát chặt chẽ, chỉ cho người có giấy mời được vào. Tuy nhiên, sau khi lọt qua cổng, nhiều người phải đứng ngoài phòng họp vì bị ngăn cản bởi một nhóm thanh niên án ngữ ngay trước cửa. Rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc với việc chặn cửa của nhóm thanh niên này. Theo người dân, việc hạn chế người tham dự đã khiến buổi xin lỗi công khai trở thành thiếu công khai.

Sau khi bị bắt giam, nhà bốc cháy Sau khi ông Cầu bị bắt giam hơn một tháng, trưa ngày 6/7/1997, nhà ông xảy ra vụ hỏa hoạn, ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ xưởng mộc, cùng giường chiếu, chăn màn, quần áo. Ông Cầu đặt nghi vấn có kẻ phóng hỏa đốt nhà nhưng cơ quan chức năng không điều tra làm rõ.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Mai-Chánh án TAND TP Hải Phòng cho biết, tòa thực hiện việc xin lỗi một cách nghiêm túc, không hạn chế người dân tham dự. Theo bà Mai, do phòng họp của xã diện tích hạn chế nên bà đã chỉ đạo ông Phạm Đức Tuyên - Phó chánh án, cho phát công khai trên loa phát thanh của xã. Tuy nhiên, buổi xin lỗi công khai không được phát trên loa truyền thanh và nhiều người dân bức xúc vì bị ngăn cản không được vào tham dự.

Ông Cầu cho biết, dù chậm trễ và chưa thực sự công khai nhưng việc tòa xin lỗi đã thể hiện sự nghiêm túc nhận lỗi đối với người dân. Tuy nhiên, theo ông Cầu, ông sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm đối với cán bộ xã, bởi do cán bộ xã sai mà ông chịu án oan. “Tôi bị bắt oan, cán bộ xã không bị xử lý lại còn được thăng chức, đến nay vẫn tại vị là thiếu công bằng”-ông Cầu nói.

Xin lỗi sau 17 năm bị oan sai

TAND TP Hải Phòng xin lỗi công khai ông Cầu xuất phát từ vụ án oan từ năm 1997, tòa tuyên phạt ông mức án 2 tháng 10 ngày về tội trộm cắp tài sản của công dân. Theo đó, năm 1996, hộ ông Cầu không nộp 97 cân thóc khoán sản phẩm, vì cho rằng xã chưa giải quyết vụ cá ăn lúa làm thiệt hại 240 cân thóc của gia đình ông. Căn cứ vào “luật riêng” do HĐND xã quy định hộ nào không nộp sản 30 cân thóc thì bị rút một sào ruộng. UBND xã đã rút của ông Cầu 3 sào ruộng giao cho ông Phạm Minh Tuân ở cùng xã sử dụng.

Do đã làm đất từ trước mà ông Tuân không trả tiền công nên ngày 25/5/1997, vợ chồng ông Cầu nhờ người ra gặt hết 3 sào lúa trên ruộng cũ của mình. Ông Tuân trình báo, ông Cầu bị công an bắt để điều tra về tội trộm cắp tài sản. Theo ông Cầu, sau khi ông bị bắt, xã cho người đến thu 9 bao thóc (261 cân) của nhà ông mà không có biên bản.

Tháng 6/1997, TAND huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm phạt ông Cầu 3 tháng tù. Ông Cầu kháng cáo, tháng 8/1997, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm phạt ông Cầu mức án bằng thời hạn tạm giam 2 tháng 10 ngày, ông được trả tự do tại tòa.

Tháng 9/1997, Phó Chánh án TAND tối cao đã ra kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng, vì cho rằng ông Cầu tuy có sai phạm nhưng chỉ cần giải quyết dân sự, không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Bản án phúc thẩm tuyên ông Cầu mức án 2 tháng 10 ngày là không đúng pháp luật, vì theo quy định mức án tối thiểu là 3 tháng.

Tháng 10/1998, Hội đồng Giám đốc thẩm tòa hình sự TAND Tối cao đã tuyên bố ông Cầu không phạm tội trộm cắp tài sản của công dân và đình chỉ vụ án. Ông Cầu đã có đơn yêu cầu bồi thường oan sai nhưng tháng 8/2004, TAND TP Hải Phòng có văn bản trả lời ông không được bồi thường. TAND tối cao cho rằng, tòa Hải Phòng trả lời như vậy là không đúng, theo quy định ông được bồi thường, xin lỗi.

Tháng 7/2008, TAND huyện Tiên Lãng xử sơ thẩm vụ án dân sự ông Cầu kiện đòi bồi thường oan sai, đã tuyên buộc TAND TP Hải Phòng phải bồi thường hơn 17 triệu đồng và xin lỗi công khai. Sau đó, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm tuyên bác kháng cáo của ông Cầu, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

TAND TP Hải Phòng phải công khai xin lỗi ông Cầu bằng hình thức đăng trên báo T.Ư 3 số liên tiếp và xin lỗi ông Cầu tại địa phương trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án có hiệu lực. Tuy nhiên, do TAND TP Hải Phòng mới chỉ đăng xin lỗi trên báo nên ông Cầu yêu cầu phải xin lỗi công khai tại địa phương đúng quy định. TAND TP Hải Phòng đã thực hiện theo đúng quy định.

MỚI - NÓNG