Hệ thống IRIS-T đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2024, 5 hệ thống còn lại sẽ giao vào năm 2027.
Đức có kế hoạch cải tổ toàn diện chiến lược phòng không của nước này bằng một loạt hệ thống IRIS-T, lá chắn phòng thủ Arrow 3 và tổ hợp Patriot.
Ngày 10/6, Reuters cho biết Chính phủ Đức đã chấp thuận chi 4 tỷ euro (khoảng 4,3 tỷ USD) để mua hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Arrow 3.
IRIS-T là một chương trình do Đức dẫn đầu nhằm phát triển tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại tầm ngắn. Sự phát triển của IRIS-T bắt đầu vào năm 1996 và có sự tham gia của Đức, Hy Lạp, Ý, Canada, Na Uy và Thụy Điển.
Diehl Defence là nhà nhà thầu chính trong việc sản xuất các hệ thống, đã phát triển nhiều phiên bản khác nhau của IRIS-T, bao gồm IRIS-T SL, IRIS-T SLS (tầm ngắn) và IRIS-T SLM (tầm trung). Hệ thống được thiết kế để đánh chặn máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Bệ phóng có thể dựa trên khung gầm bánh lốp (MAN 8 x 8) hoặc bánh xích (xe địa hình BvS10) và mang theo bốn hoặc tám thùng chứa tên lửa để phóng thẳng đứng.
Các hệ thống này mang lại sự linh hoạt cao nhờ động cơ tên lửa có lực đẩy mạnh, cho phép nó đánh chặn các mục tiêu có đường bay phức tạp.
Đầu dẫn đường của tên lửa sử dụng cảm biến hồng ngoại có thể phát hiện mục tiêu chính xác, có khả năng chống gây nhiễu và cho phép hoạt động hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử phức tạp.
IRIS-T có hai chế độ bắn: Khoá trước khi phóng và khóa sau khi phóng, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh. Phiên bản SLM cho phép bắn trúng mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 40 km, còn với phiên bản SLS ngắn hơn khoảng 25 km.