Du lịch không thể 'đào' mãi mỏ vàng tự nhiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông cho rằng, thị trường du lịch đang thiếu vắng những sự kiện, sản phẩm đáp ứng nhu cầu nghe nhìn. Nhiều tài nguyên văn hóa chưa được khai thác hiệu quả trong sản phẩm du lịch.

Đa dạng, tiềm năng

Đông đảo đại biểu là các chuyên gia du lịch, văn hoá, các công ty du lịch lữ hành tề tựu tại diễn đàn du lịch toàn quốc năm 2023 Phát triển du lịch văn hoá Việt Nam sáng 14/4. Diễn đàn là một hoạt động lớn của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM 2023 (13-16/4).

Du lịch không thể 'đào' mãi mỏ vàng tự nhiên ảnh 1

Đảo ký ức Hội An được vinh danh là điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới

Ảnh: ANH TUẤN

Văn hoá và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Với hơn 4 nghìn di tích được xếp hạng di tích quốc gia, hơn 9 nghìn di tích được xếp hạng cấp tỉnh, bề dày lịch sử hàng nghìn năm, 54 dân tộc anh em cùng chung sống, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa.

Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt. Nhiều điểm đến có di sản văn hoá thế giới tạo điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam như: quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam). Đảo ký ức Hội An được Tổ chức giải thưởng du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là điểm đến vui chơi, giải trí hàng đầu thế giới.

Du lịch không thể 'đào' mãi mỏ vàng tự nhiên ảnh 2

Tua khám phá văn hoá Việt trên tàu ở Vịnh Hạ Long thu hút du khách quốc tế. Ảnh: PHẠM HÀ

Bà Thân Thị Thu Huyền, Giám đốc điều hành Đảo ký ức Hội An cho biết, khu du lịch luôn được phát triển theo phương châm lấy văn hoá làm kim chỉ nam, “kiến trúc là hình, văn hoá là hồn”. Đảo ký ức Hội An được lấy cảm hứng từ nhiều khu du lịch nổi tiếng như Disneyland, Universal... tuy nhiên điểm đặc biệt là khai thác được lịch sử, ẩm thực, văn hoá gắn liền với vùng đất Hội An (Quảng Nam).

“Không động cơ, không khói bụi, Đảo ký ức Hội An hướng đến xây dựng không gian nghỉ dưỡng xanh, những hoạt động giải trí, nghệ thuật dựa trên văn hoá và lịch sử. Đây là những giá trị lâu dài cần bảo tồn. Đó là hướng đi bền vững, khác biệt của Đảo ký ức Hội An so với những điểm đến khác”, bà Huyền cho biết.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, những kinh nghiệm từ các nước trên thế giới đã chỉ ra, một trong những phương tiện, con đường nhanh nhất, hiệu quả nhất để tuyên truyền, quảng bá văn hoá là những chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nên có những chương trình về văn hóa, nghệ thuật mang giá trị của văn hóa Việt Nam. Chúng ta có nhiều câu chuyện, truyền thuyết có giá trị nhưng chưa khai thác hết.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá cao sự phát triển của các bộ sưu tầm cá nhân trong việc phát triển du lịch văn hoá, tránh tình trạng “chảy máu cổ vật”. TS. Nguyễn Xuân Phi (Hiệp hội Du lịch Thanh Hoá), Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hoá Việt Nam khẳng định, những cá nhân, gia đình khi lập ra bảo tàng tư nhân hầu như không đặt mục tiêu kinh doanh lên hàng đầu. Họ mong muốn góp phần lưu giữ những ký ức lịch sử, nét đẹp văn hóa của dân tộc, đem những giá trị đẹp đẽ của di sản trao cho cộng đồng. “Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày hiện vật lịch sử từ các bộ sưu tập tư nhân góp phần phát huy giá trị các hiện vật lịch sử, phát triển du lịch văn hóa, giúp du khách, thế hệ trẻ và những người tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử có được thông tin và sự hiểu biết một cách đầy đủ, toàn diện về tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời kỳ tiền sử đến ngày nay”, TS. Nguyễn Xuân Phi nói.

“Mỏ vàng văn hóa”

Một số chuyên gia du lịch cảnh báo nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên nếu du lịch chỉ chăm chăm vào khai thác, tận thu. Nhìn thẳng vào du lịch Việt Nam, sản phẩm du lịch văn hoá ít sáng tạo, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước, thiếu tính đồng bộ và liên kết trong phát triển sản phẩm, nhiều tài nguyên chưa được đầu tư xứng tầm.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nói rằng, thị trường du lịch đang thiếu vắng những sự kiện, sản phẩm đáp ứng nhu cầu nghe nhìn. PGS.TS Tạ Quang Đông cho biết, thời gian tới Bộ VHTTDL sẽ triển khai chương trình Việt Nam huyền sử diễn ca tại một số điểm như Hội An, một số điểm có sô diễn tuyên truyền quảng bá văn hóa du lịch Việt Nam.

“Chúng tôi cùng Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam xây dựng chương trình Việt Nam huyền sử diễn ca dễ thưởng thức, dễ lan tỏa, đưa công nghệ mới, đề cao tính giáo dục, tính thẩm mỹ, nằm trong tổng thể để chương trình thu hút được khách”, ông Tạ Quang Đông nêu. Bộ VHTTDL chủ trương đẩy mạnh các chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023. Lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu ví dụ về sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc kéo theo trào lưu K-pop, thời trang học theo Hàn Quốc...

Cũng theo Thứ trưởng ông Tạ Quang Đông, đưa điện ảnh ra nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước là xu hướng chung của các nước. Việc gắn bó các thương hiệu du lịch Việt Nam với điện ảnh là cực kỳ quan trọng. Bộ sẽ tổ chức hội nghị từ 25-27/5 tại Khánh Hòa, đề cập mối quan hệ giữa hai lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh, từ đó phim Việt góp phần tích cực quảng bá đến quốc tế thương hiệu du lịch Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.