Dự án xe buýt nhanh Hà Nội: Bộc lộ nhiều bất cập

Dự án xe buýt nhanh Hà Nội: Bộc lộ nhiều bất cập
TP - Không thể phủ nhận tính hiệu quả của hệ thống xe buýt nhanh (BRT) trên toàn thế giới, với hơn 120 thành phố và 30 nước sử dụng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào điều kiện giao thông Hà Nội lại bộc lộ nhiều bất cập.

Nguy hiểm rình rập

Khoảng 6 giờ 15 sáng 21/4, chị Tống Thu Thủy (23 tuổi ở thị xã Lai Châu), đi xe máy trên đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, khi đến đoạn đang thi công gần nhà chờ BRT, thì đâm phải gờ tiếp giáp của đường bê tông với đường nhựa, ngã xuống đường và bị xe tải phía sau không kịp hãm phanh, cán qua người, tử vong tại chỗ. Còn chiếc xe máy bị cuốn gọn trong gầm xe tải, hư hỏng nặng. Đây không phải là một tai nạn bất ngờ, mà là những gì người dân đã lo ngại từ khi công trình BRT khởi công. Ông Trần Vũ Sơn, người dân tại đây cho biết, con đường này vốn là đường hỗn hợp, bỗng dưng có một gờ đường cao hơn, xe máy rất dễ trật bánh. “Đường như cái bẫy, thanh niên sơ sẩy cũng có thể ngã chứ đừng nói đến chị em phụ nữ”, ông Sơn nói.

Theo Sở GTVT Hà Nội, đây là Dự án xe buýt vận chuyển nhanh khối lượng lớn – BRT (thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội) có giá trị phê duyệt ban đầu là 304,72 triệu USD. Dự án khởi công từ tháng 3/2013 với tổng chiều dài 14,7km. Dự án có lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - Bến xe Kim Mã. Với dự án này, xe buýt nhanh sẽ đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Làn đường này được phân cách bằng gờ cao 20cm. Nhà chờ được đặt trên dải phân cách giữa, ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt.

Đường cao thấp do xe tải?!

Theo ghi nhận của phóng viên, đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), nơi xảy ra vụ tai nạn, nhà chờ xe buýt nhanh đang được thi công, đường dành riêng cho xe buýt được đổ bê tông, cao hơn so với đường nhựa khoảng 3-4 cm. Xe máy, ô tô khi đi vào đường bê tông này tạo ra những tiếng kêu sần sần, xóc hơn đường rải nhựa bên ngoài. Trao đổi với Tiền Phong, Trung úy Vương Tiến Tâm, Đội CSGT số 7, cho biết, tuy là làn đường dành cho ô tô, nhưng giờ cao điểm, rất nhiều xe máy vẫn đi vào làn đường bê tông này. Thi thoảng cũng xảy ra trường hợp ngã xe. “Nếu đi ở khoảng mấp mé giữa 2 phần đường, lơ là và yếu tay lái thì xe rất dễ trật bánh và mất kiểm soát”, Trung úy Tâm nói.

Lý giải về đoạn đường cao thấp, ông Lê Tiến Nguyên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị - Sở GTVT Hà Nội cho biết, với đoạn đường xảy ra tai nạn, nhà thầu đã thảm xong mặt đường và xây xong nhà chờ số 5, hàng rào thi công đã được dỡ bỏ để phương tiện đi lại. Về việc mặt đường qua đây có gờ cao độ lớn, ông Nguyên cho rằng, trước đó nhà thầu đã thảm bê tông để tạo gờ vút mái. Tuy nhiên do xe tải chạy nhiều nên lâu ngày những gờ vút mái này bong tróc, tạo những gờ cao độ giữa hai dạng mặt đường, độ cao gờ trung bình từ 2 - 5cm. “Sau vụ tai nạn chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu (Cty Cổ phần tập đoàn Đông Đô - PV) thảm lại để tạo yêm thuận như ban đầu, cùng với đó sẽ rà soát những đoạn mặt đường bê tông và công trường nhà ga còn lại để phát hiện những đoạn nào có gờ cao độ tương tự để thảm tiếp”, ông Nguyên nói.

MỚI - NÓNG