Dự án khai thác vàng tại Đakrông: Bỏ 70 tỷ thu 164 gram

Đồi núi bị đào phá để khai thác vàng tại A Luông. Ảnh: H.T
Đồi núi bị đào phá để khai thác vàng tại A Luông. Ảnh: H.T
TP - Sau 4 năm thăm dò khai thác vàng, công ty báo cáo thu về chỉ được… 164 gram vàng, dù tiêu tốn của Nhà nước ngót 70 tỷ đồng. Nhà nước mất tiền, còn người dân phải hứng chịu những hiểm họa về môi trường.

Tại khu vực bản A Luông của xã A Bung (huyện rẻo cao Đakrông, Quảng Trị), sau 4 năm thăm dò khai thác vàng song Xí nghiệp khoáng sản Quảng Trị 1 thuộc Cty cổ phần phát triển khoáng sản 4 (trụ sở tại Nghệ An) báo cáo thu về chỉ được… 164 gram vàng, dù tiêu tốn của Nhà nước ngót 70 tỷ đồng. Nhà nước mất tiền, còn người dân phải hứng chịu những hiểm họa về môi trường.

Ô nhiễm trầm trọng

Phó Chủ tịch UBND xã A Bung, ông Hồ Văn Nhâm cho biết, Cty cổ phần phát triển khoáng sản 4 được cấp phép thăm dò vàng tại khu vực bản A Luông từ 2005. Sau đó đơn vị này đã tiến hành khoan sâu vào lòng núi hàng chục điểm, hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Đầu năm ngoái, Xí nghiệp khoáng sản Quảng Trị 1 có tuyển dụng lao động tại địa phương, nhưng vào cuối năm lại bất ngờ chấm dứt hợp đồng với lý do không có vàng.

Quá trình đơn vị này khai thác vàng ở A Luông đã bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường nặng do nổ mìn phá núi, làm đất đá bay vào nhà dân, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khó lường.

“Trong các đợt tiếp xúc cử tri, đồng bào đã nhiều lần phản ánh song hiện tình trạng trên vẫn không thay đổi. Đặc biệt, việc xử lý lọc lấy vàng bằng hóa chất của xí nghiệp đã phá hoại  môi trường, cá chết hàng loạt trên sông Đakrông mà vẫn không bị xử lý. Các phòng ban chức năng, như Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đakrông có vào kiểm tra, nhưng kết luận không rõ ràng”, Phó Chủ tịch Nhâm nói.

Theo sự hướng dẫn của ông Nhâm, chúng tôi đến khu vực Xí nghiệp khoáng sản Quảng Trị 1 khai thác vàng tại A Luông, đập vào mắt là các điểm nổ mìn phá núi rất gần nhà của các hộ dân Hồ Thanh Tâm, Kôn Tam, Hồ Văn Chế… Đáng lo hơn, chất thải, hóa chất xử lý lọc lấy vàng của xí nghiệp đều thải từ trên cao xuống thấp, trong đó một phần được thu gom đổ xuống hai hồ chứa bên dưới có màu đen lòm đến rợn người.

4 năm chỉ khai thác được 164 gram vàng

Giám đốc Xí nghiệp khoáng sản Quảng Trị 1 Trần Hữu Đạt cho rằng, cá chết hàng loạt  trên sông Đakrông là do hóa chất của các “vàng tặc” thải xuống, chứ không phải hóa chất của xí nghiệp ông đổ ra. Còn tình trạng cá chết trắng xảy ra từ cầu A Luông đến bản Ti Nê, xã A Bung dài gần 2 cây số nơi Xí nghiệp khoáng sản Quảng Trị 1 là đơn vị duy nhất khai thác ở đây, ông Đạt không giải thích được.

“Thật phi lí khi nói rằng ở đây không có vàng trữ lượng lớn. Thực tế, họ đã làm cả ngày lẫn đêm, từ cái gọi là “thăm dò” đến khai thác, rồi bất ngờ sa thải các lao động địa phương một cách khó hiểu”.

Phó Chủ tịch 

Hồ Văn Nhâm

Ông Đạt cho biết, Cty cổ phần phát triển khoáng sản 4 được cấp phép thăm dò vàng ở A Luông trên diện tích 3,24 ha, thời gian 2 năm từ 2005-2007. Cty đã phối hợp với Liên đoàn Địa chất 4 (nay là Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ) thực hiện công tác thăm dò. Sau đó được Hội đồng khoáng sản Quốc gia phê duyệt, đánh giá trữ lượng vàng tại khu vực kể trên là 398 kg vàng ròng (tương đương 3,5 đến 3,6 gram vàng ròng/tấn đất đá).

Trong 4 năm (2008-2012), Cty thực hiện các thủ tục xin cấp phép khai thác. Sau khi được cấp phép khai thác vào 2013, đầu tháng 2/2014, Xí nghiệp khoáng sản Quảng Trị 1 bắt tay vào khai thác vàng. Nhưng từ đó đến nay, xí nghiệp chỉ khai thác, chế biến được… 164 gram vàng (khoảng 120 triệu đồng).

Ông Đạt lý giải, nguyên do sai số giữa thăm dò, đánh giá trữ lượng vàng với thực tế khai thác,  có độ chênh quá lớn. Do không có vàng, xí nghiệp có thời gian phải tạm dừng hoạt động, đến tháng 11/2015 thì vận hành lại tại điểm quặng mà Cty mới phát hiện, đánh giá có trữ lượng vàng lớn hơn 2,5 gram/tấn đất đá. Điểm vàng này nằm sâu 30 mét so với mặt đất, hiện tại đã bốc phong hóa được 20 mét.

Cũng theo ông Đạt, dù đã tiêu tốn gần 70 tỷ đồng vào việc thăm dò và khai thác vàng tại A Luông (trong đó có tới 75% vốn của Nhà nước), song không thu được kết quả như mong đợi. Hiện nay, xí nghiệp đang tiếp tục khai thác và lập đề án xin… thăm dò bổ sung.

Khi được hỏi gần 70 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tiền của Nhà nước song lại bị xí nghiệp sử dụng không hiệu quả. Trong trường hợp không có vàng thật, sao xí nghiệp rồi Cty không chấm dứt hoạt động khai thác kể trên, mà vẫn tiếp tục “cuộc chơi… phiêu lưu” này, ông Đạt không trả lời.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.