Dù đã chịu giá, lấy ghe máy đưa chúng tôi “dạo chơi” rừng Sác săn ảnh sông nước, nhưng anh Nguyễn Văn T., một ngư phủ ở Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai vẫn nghi ngại: “nếu các anh là phóng viên đi chụp ảnh mấy ông khai thác cát trên sông thì tôi không chở đâu…”. Hỏi vì sao?
Anh T. lấp lửng: “Tụi tui còn làm nghề trên sông, mưu sinh ở khu này”. Chạy suốt một đoạn sông Thị Vải thuộc xã Phước Thái là một đại công trường nạo vét, vang vọng tiếng máy bơm hút cát ầm ĩ. Những họng ống hút cát sục từ đáy sông đưa lên những chiếc ghe chuyên dụng.
Những chiếc gàu từ xà lan quăng ầm ầm xuống lòng sông, mỗi lần kéo gàu là cả khối cát được bốc lên đưa lên thuyền vào bãi tập kết. Cả một đoạn sông bị khuấy đục ngầu lềnh bềnh váng dầu mỡ từ hoạt động chạy máy dầu trên các ghe, tàu.
Anh T. kể: Suốt đoạn sông này có nhiều tàu ghe bơm hút cát. Cũng từ nhiều tháng nay khi ghe tàu hút cát, hút bùn ầm ĩ suốt ngày đêm, ngư dân chúng tôi muốn giăng câu, thả lưới cũng phải tìm đi chỗ xa hơn mới kiếm sống được. “Làm gần mấy công trình này, phần nước động, phần tàu ghe ra vô làm rách lưới, rồi người lạ họ lui tới dòm ngó nên rất khó khăn”- anh T. rầu rĩ.
Chiếc ghe nhỏ đưa chúng tôi chưa đi được xa, thì ào ào một chiếc ca nô chở ba thanh niên phóng tới, sóng dập dềnh như muốn nhấn chìm chiếc ghe nhỏ. Ca nô tắt máy, cặp mạn chiếc ghe, một thanh niên từ ca nô nhảy sang ghe chúng tôi hoạnh họe, tra hỏi, rồi điện thoại trao đổi với ai đó… Động thái thám thính của đám thanh niên đủ giúp anh T. hiểu chuyện gì sắp xảy ra nên quay ghe trở lại bờ, từ chối chở chúng tôi.
Mới chỉ mục kích một đoạn của một dự án nạo vét sông gần cảng Gò Dầu huyện Long Thành chúng tôi đã chứng kiến hàng chục xà lan, ghe thuyền hoạt động nạo vét cát tấp nập. Đại diện một doanh nghiệp tiết lộ không dễ gì có được dự án nạo vét này dù ngân sách nhà nước không cấp vốn cho hoạt động này nhưng các đơn vị nạo vét vẫn phải xếp hàng đăng ký?!
Đại công trường nạo vét luồng lạch tận thu cát trên sông Thị Vải ảnh: M.T.
Cấp phép rồi nhưng không giám sát
Dù được cấp phép các công ty chuyên về nạo vét đường thủy, duy tu thủy điện, lòng hồ thủy điện và khai thác cát trên các tuyến sông này không làm theo chức năng được cấp. Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an hầu hết các công ty này khai thác cát ngoài vùng thủy điện cho phép, vượt độ sâu, lợi dụng hoạt động thăm dò để khai thác cát trái phép. C49 thống kê trên lưu vực sông Đồng Nai hiện có 5 dự án nạo vét, duy tu và nâng cấp tuyến luồng sông qua các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM.
Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng C49 nói trên sông Thị Vải có trường hợp nạo vét bùn bên này đổ sang bên kia. Trong khi theo ông Linh hiện nay hoạt động này chỉ do Bộ GTVT cấp phép nên chưa đánh giá hết những tác động đối với môi trường. “Trong khi cần phải có sự tham gia của Bộ GTVT, Bộ TN&MT và UBND tỉnh nơi có hoạt động nạo vét, tận thu”- ông Linh nói và chỉ ra rằng hoạt động nạo vét có khai thác cát với khối lượng lớn và bị các đối tượng lợi dụng khai thác trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường lưu vực sông.
Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết nơi có cát thì họ khai thác vượt độ sâu, còn bùn đất thì đổ đi đâu? “Hiện nay nói là đổ ra biển nhưng không ai giám sát”- ông Thới nói. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Trần Văn Nam cũng đề nghị “không nên cho nạo vét trên sông Đồng Nai qua tỉnh Bình Dương”.
Trong khi tỉnh Đồng Nai không có chủ trương “nạo vét” và cấp phép cho việc này thì Bộ GTVT cho 5 dự án duy tu luồng đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cả 5 dự án đều có tận thu cát xây dựng trên sông Đồng Nai và sông Đồng Tranh đều thuộc khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt từ năm 2008.
Điều đáng nói, Đồng Nai đã phát hiện các dự án trong quá trình nạo vét luồng lạch từ đập thủy điện Trị An đến hạ nguồn các đơn vị nạo vét đã có nhiều vi phạm. Cụ thể Công ty CP Hàng Hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước thực hiện nạo vét khi chưa đầy đủ thủ tục nhưng lại khai thác vượt độ sâu cho phép. Còn Công ty CP xây dựng và phát triển cảng biển Tân Phú Thịnh nạo vét ngoài khu vực luồng tuyến sông gây sạt lở bờ sông phía tỉnh Bình Dương…
Theo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai tất cả các sai phạm của các công ty nạo vét sông đều do tỉnh này phát hiện, cơ quan giám sát của ngành giao thông không phát hiện. “Đây là dự án tận thu cát, là khoáng sản có giá trị cao do đó khi thực hiện dự án dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chỉ nạo vét ở khu vực có cát xây dựng, thậm chí nạo vét ra khỏi phạm vi cho phép nhằm tận thu tối đa cát xây dựng thu về lợi nhuận và không nạo vét ở khu vực có bùn đất “- đại diện tỉnh Đồng Nai cho hay.