Dự án đường sắt đô thị gây lãng phí nhân lực, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thực tế triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM cho thấy một trong những khó khăn, vướng mắc chủ yếu khiến thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị kéo dài, gây lãng phí nguồn nhân lực là do thiếu thống nhất, đồng bộ tiêu chuẩn Quy chuẩn, kỹ thuật.

Ngày 19/1, tại phiên chuyên đề Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị trong khuôn khổ Hội thảo phát triển đường sắt đô thị, nhiều chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải có khung tiêu chuẩn thống nhất cho loại hình giao thông này.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết theo quy hoạch Giao thông vận tải, Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 75,6 km đi ngầm.

Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13 km của tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông và đang triển khai thi công 12,5 km tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Sắp tới UBND TP Hà Nội sẽ đưa vào khai thác đoạn trên cao thuộc dự án tuyến ĐSĐT thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, còn TPHCM sắp đưa vào khai thác tuyến ĐSĐT số 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên.

Dự án đường sắt đô thị gây lãng phí nhân lực, vì sao? ảnh 1

Việt Nam cần sớm đồng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chung trong quản lý và phát triển dự án đường sắt đô thị.

Từ thực tiễn, theo ông Tuấn, việc các dự án ĐSĐT chậm tiến độ có nguyên nhân do chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án ĐSĐT.

Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho rằng tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các dự án ĐSĐT không đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quá trình thi công, nghiệm thu công trình cũng như duy tu, bảo dưỡng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, chuyên gia về ĐSĐT cảnh báo, việc sử dụng các tiêu chuẩn khác nhau có nguy cơ lãng phí nguồn lực (không tận dụng được các thiết bị, sản phẩm kỹ thuật như bản vẽ, tính toán, kinh nghiệm thi công…), đội ngũ kỹ sư lành nghề ở dự án này có thể không có kinh nghiệm ở dự án khác.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc không có sự thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật còn dẫn đến khác biệt trong cách vận hành và khai thác, gây khó khăn trong việc kết nối giữa các tuyến ĐSĐT.

Theo TS Nguyễn Thị Hoài An, Khoa Vận tải và kinh tế đường sắt (Đại học Giao thông vận tải), tiêu chuẩn là thước đo, tiềm năng kỹ thuật làm tăng khả năng đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế, tăng chất lượng vận hành, tăng lợi thế về chi phí.

Bà An kiến nghị việc áp dụng các tiêu chuẩn cần tính đến điều kiện vận hành đặc thù của nước ta như Hệ thống luật pháp, khí hậu nhiệt đới, hạ tầng đô thị, hành vi tham gia giao thông địa phương, các loại phương tiện giao thông khác...

MỚI - NÓNG