Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khó về đích đúng hẹn

TPO - Doanh nghiệp dự án khó khăn về tài chính nên khối lượng thi công chưa cao, các đơn vị thi công cầm chừng, lũy kế khối lượng thi công hiện chỉ đạt hơn 22%. Theo doanh nghiệp dự án, nếu một lần nữa vốn về không kịp thời, dự án sẽ khó về đích đúng hẹn.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khó về đích đúng hẹn ảnh 1

Công trường thi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang cuối tháng 10, tỉnh này đã thực hiện công tác bàn giao mặt bằng sạch đạt 99,92% cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, còn lại 40m chưa bàn giao. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động các hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án (DNDA) - Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Về tình hình thi công ngoài hiện trường, đến nay, đã tổ chức triển khai thi công toàn bộ 21/21 gói thầu xây lắp. Tuy nhiên, DNDA đang tổ chức rà soát lại năng lực của các nhà thầu thi công và do DNDA khó khăn về nguồn tài chính (chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn ngân sách chưa được phân bổ) nên khối lượng thi công chưa cao, các đơn vị thi công cầm chừng, lũy kế khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 22,8%.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư (đã điều chỉnh) 12.668 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng (đã được phê duyệt) và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khó về đích đúng hẹn ảnh 2 Theo đại diện nhà đầu tư, để về đích đúng hẹn như lời hứa với nhân dân ĐBSCL, dự án vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Ảnh: Cảnh Kỳ

Theo đại diện Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, về vốn tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng phối hợp tích cực nhưng do thủ tục hợp vốn chưa thống nhất, đang chờ các ngân hàng hoàn thiện nên vẫn chưa xác định thời điểm giải ngân.

Ngoài ra, theo đại diện nhà đầu tư, để về đích đúng hẹn như lời hứa với nhân dân ĐBSCL, dự án vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Đó là thời gian còn lại rất ít (31/12/2020 thông tuyến và 30/4/2021 đưa vào vận hành), trong khi tiến độ phải đảm bảo và chất lượng công trình cũng phải chắc chắn. Nếu một lần nữa vốn về không kịp thời, dự án sẽ khó về đích đúng hẹn.

Trả lời báo chí ngày 01/11, ông Mai Mạnh Hồng – Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết nguồn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, nhưng tiếp theo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Tiền Giang phải làm một số thủ tục nữa mới phân bổ nên dự án vẫn chưa nhận được. Trong khi đó, phần vốn tín dụng thì các ngân hàng vẫn đang thẩm định.

Theo ông Hồng, dự án hiện vẫn được duy trì bằng mọi nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, chờ nguồn vốn ngân sách và vốn tín dụng, nếu tháng 11 này mà không có thì coi như “lực bất tòng tâm” vì các nhà thầu và chủ đầu tư đã ‘cạn kiệt’. Còn nếu trong tháng này vốn ngân sách bố trí được cho dự án, ký được các hợp đồng tín dụng với các ngân hàng và được giải ngân, nhà đầu tư cam kết sẽ đáp ứng được tiến độ như Chính phủ đã yêu cầu, thông xe đưa vào sử dụng vào năm 2021.

Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khó về đích đúng hẹn ảnh 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ thăm và kiểm tra tại hiện trường dự án hồi cuối tháng 9 vừa qua. Ảnh: Cảnh Kỳ

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ GTVT. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính bảo đảm đủ nguồn vốn cho hai dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, UBND tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bảo đảm thông xe vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021.

Về đầu tư, xây dựng cầu Rạch Miễu 2 trên QL60, là tuyến trục dọc ven biển kết nối TP.HCM với các tỉnh duyên hải ĐBSCL, kết nối các cảng biển, khu kinh tế ven biển trong vùng. Cầu Rạch Miễu hiện tại chỉ có 2 làn xe, việc lưu thông thường xuyên quá tải, ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Vì vậy, việc nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là cần thiết. Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sớm xem xét đề nghị của Bộ GTVT về việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án.

MỚI - NÓNG