Bên trong khu vườn, không chỉ có những hàng cây xanh mát, ao sen đậm hương thơm, mà lần theo khu vườn, chúng ta còn có thể thấy rõ những sự kiện gắn liền với cuộc đời nàng Kiều.
Chúng tôi tìm đến khu vườn của cụ Khoát trong cái nắng của những ngày tháng 4. Ngay từ khi mới bước vào cổng, những người trong đoàn rất ấn tượng với hai câu thơ: “Vườn Kiều đón khách du xuân/ Đọc thơ, ngắm cảnh, thương thân nàng Kiều”.
Theo sự hướng dẫn của cụ Phạm Văn Khoát, chúng tôi dạo một vòng quanh khu vườn. Vườn khá rộng, trồng rất nhiều các loại hoa, có cả ao sen và hòn giả sơn trông như một bức tranh thủy mặc tuyệt vời. Cụ Khoát cho biết khu vườn này được bắt đầu xây dựng từ năm 1996, và hoàn thành vào năm 2007.
Trong quá trình xây dựng khu vườn, cụ cùng lên ý tưởng với những người bạn thân, những người có một tình yêu Truyện Kiều lớn lao như cụ. Và để được như ngày hôm nay, cụ Khoát đã không ngừng trùng tu và nâng cấp lại khu vườn yêu quí của mình.
Là một người yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều, vì thế ngay trong khu vườn của mình, cụ Khoát cho xây dựng nhà tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Cụ đã phải cất công ra tận quê hương của Nguyễn Du để lấy mẫu tượng về tạc lại để làm tượng thờ.
Thúy Kiều và Thúy Vân
Bên trong khu vườn, cụ Khoát có đặt các bức tượng mô phỏng các nhân vật trong Truyện Kiều. Thoạt nhìn, du khách có thể thấy hình ảnh một chàng trai hào hoa, phong nhã đang cưỡi ngựa. Đó là hình ảnh của Kim Trọng với hai câu thơ minh họa: “Trông chừng dáng một văn nhân/Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng”.
Còn chị em Thúy Kiều, Thúy Vân được minh họa bằng hai câu thơ: “Chàng Vương quen mặt ra chào/Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”.
Cụ Khoát còn cất công xây dựng một “Lầu ngưng bích” ngay tại giữa ao sen.
Tại đó, du khách vừa có thể nghỉ chân, lại vừa có thể ngắm nhìn khu vườn một cách bao quát nhất. Cụ Khoát còn cho biết thêm, “Lầu ngưng bích” cũng là nơi để cụ và những người yêu Truyện Kiều ngồi hàn huyên tâm sự, ngâm Kiều, vịnh Kiều trong những buổi hội ngộ.
Ngày 17/2/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định trao giải Nhất cuộc thi “Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập” cho tác phẩm nghệ thuật “Vườn Kiều” của cụ Phạm Văn Khoát. Đây có lẽ là lần đầu tiên giải thưởng tác phẩm nghệ thuật được trao cho... một khu vườn.
Cuối buổi tham quan vườn Kiều của cụ Phạm Văn Khoát, chúng tôi được ngồi nghe cụ giảng thêm về Truyện Kiều, mà ở đó cụ có rất nhiều khám phá mới mẻ và bổ ích. Cụ Khoát nay đã bước sang tuổi 81, cái tuổi mà người ta cho là hiếm ở đời.
Trước khi về thành phố, chúng tôi được cụ tặng cho mỗi người một cuốn sách do chính tay cụ viết, tập hợp những bài cảm nhận và phân tích của cụ về các vấn đề trong Truyện Kiều. Đó là một món quà vô cùng ý nghĩa và quí giá với chúng tôi.
Cụ Nguyễn Du trước khi qua đời đã từng tâm tư:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Thì ngày hôm nay đây, sau 300 năm người dân Việt Nam vẫn ghi nhớ trong lòng những câu lục bát Truyện Kiều. Và cũng không hiếm để có thể thấy một cụ già ngâm Kiều, vịnh Kiều trong nỗi thương xót cho thân phận Thúy Kiều cũng như Nguyễn Du!