Đồng bào vùng sâu Lâm Hà tiết kiệm điện

Đồng bào vùng sâu Lâm Hà tiết kiệm điện
TPO - Lâm Hà là huyện vùng sâu thuộc tỉnh Lâm Đồng, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc. Tuy đời sống nhiều khó khăn, song người dân có nhiều nỗ lực tiết kiệm điện trong sinh hoạt và sản xuất.
Nhân viên điện lực Lân Hà phát tờ rơi, hướng dẫn cách thức tiết kiệm điện cho đồng bào dân tộc K’ho ở thôn 9, xã Tân Thanh
Nhân viên điện lực Lân Hà phát tờ rơi, hướng dẫn cách thức tiết kiệm điện cho đồng bào dân tộc K’ho ở thôn 9, xã Tân Thanh. Ảnh: Thiên Hương

Hiểu và thực hành tiết kiệm điện

Thôn 9, xã Tân Thanh (Lâm Hà) là một điển hình tiết kiệm điện. Thôn có đến 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm K’ho, Thái, Dao, Tày, Nùng, Mông…. Điều đặc biệt của bà con các dân tộc nơi đây là sớm nhận ra việc cần thiết phải tiết kiệm điện, đồng thực hành tiết kiệm.

Nhà ông Ngọc Quý tuy có có 4 người nhưng có đến chiếc 4 ti vi, ngoài ra còn có tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng… Hàng tháng ông phải trả trên 400.000 ngàn đồng tiền điện.

Ông Qúy bộc bạch: “Trước đây, nhà tôi mỗi người ôm một cái ti vi, máy nước nóng và các thiết bị điện sử dụng đều không tính toán vào giờ cao hay thấp điểm. Sau khi nghe các anh “nhà đèn” giảng giải, tư vấn cách tiết kiệm điện, các thành viên trong gia đình tôi đã hiểu ra và điều chỉnh lại các thói quen không tốt trong sử dụng các thiết bị điện”.

Theo đó, tivi khi không xem nữa thì tắt hẳn, không để chế độ chờ. Quần áo giặt bằng tay, chỉ cho vào máy giặt vắt cho khô. Trong chiếu sáng, thay toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact. Chuyển từ bình nước nóng dùng điện sang bình năng lượng mặt trời. Xung quanh nhà trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát để hạn chế sử dụng quạt máy… Mỗi thứ một tí góp vào làm cho tiền điện giảm hẳn, còn khoảng trên dưới 250.000 đồng/tháng.

Ông Qúy chia sẻ: “Từ việc tiết kiệm điện, gia đình tôi đã đề ra nhiều cách để tiết kiệm nước, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm thực phẩm…do đó, tôi thấy tiết kiệm không chỉ dừng lại ở điện mà tất cả các mặt trong đời sống”.

Gia đình ông Phùng Xuân Phúc có máy xay xát cà phê. Sau khi xay xong, tất cả vỏ cà phê đều được ông tái sử dụng vào việc đun nấu thức ăn cho vật nuôi trong gia đình, nấu nước nóng phục vụ sinh hoạt gia đình.

Ông còn phơi khô dự trữ làm chất đốt cho mùa mưa. Theo ông Phúc, đây là cách tiết kiệm an toàn, hiệu quả và mỗi năm, vỏ cà phê đã giúp năm ông tiết kiệm nhiều triệu đồng tiền điện.

Với đồng bào dân tộc thiểu số, việc thay đổi nhận thức, thói quen tiết kiệm điệm gặp trở ngại hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Hồng Phong - Bí thư đoàn Thanh niên xã Tân Thanh tâm sự: “Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất thích sử dụng bóng đèn dây tóc, vì ánh điện màu vàng tạo cảm giác ấm áp hơn. Để thay đổi thói quen chuyển từ đèn dây tóc sang đèn compact phải có cả một quá trình tuyên truyền, vận động và thử nghiệm.

Mới đầu, bà con không chịu thay đổi. Sau khi thuyết phục bà con xài thử một tháng, kết quả tiền điện giảm hẳn. Thấy hiệu quả, dần dần nhiều người áp dụng. Lúc đầu chỉ có vài, ba hộ, sau một thời gian ngắn gần như toàn bộ hộ dân đã tự nguyện chuyển sang sử dụng đèn conmact”.

Kéo điện về tận nhà đồng bào dân tộc K’ho ở thôn 9, xã Tân Thanh (Lâm Hà). Ảnh: Thiên Hương
Kéo điện về tận nhà đồng bào dân tộc K’ho ở thôn 9, xã Tân Thanh (Lâm Hà). Ảnh: Thiên Hương.

Lợi ích kép từ đổi mới phương thức sản xuất

Gia đình anh K’Brin (dân tộc K’ho), thôn 7 xã Tân Thanh, có cách tiết kiệm điện nước bằng cách áp dụng công nghệ mới. Anh dùng 1 tấm pin năng lượng mặt trời, công suất 175W phát điện bơm nước tưới vườn cây cà phê. Nước từ dưới suối được ơm lên và dẫn nước đến từng gốc cây theo hệ thống ống.

Tại mỗi gốc cây có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ độ ẩm cho cây phát triển. Anh K’Brin cho biết, việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời sẽ tạo điều kiện cho cây phát triển xanh tốt hơn nhờ gốc cây luôn giữ được độ ẩm, bổ sung liên tục một lượng nước vừa đủ cho cây phát triển.

Sau khi sử dụng hệ thống này kết quả cho thấy, vườn cà phê không còn rụng trái non, hoa không còn bị héo như trước và chắc hạt hơn. Vì vậy, năng suất vườn cây tăng 25 - 30% so với trước.

Không những cho năng suất cao mà còn tiết kiệm nước, tiết kiệm tiền điện bớm nước. Anh K’Brin còn cho biết, trước đây, vào mùa khô, gia đình anh phải tưới ít nhất 4 lần và mỗi vụ cà phê, tiền điện lên đến trên 10 triệu đồng. Nay thì không tốn một đồng nào tiền điện nào.

Đang vào mùa thu hoạch, gia đình bác Lường Văn Tú lúc nào cũng có 5 công nhân phụ việc hái cà phê. Thời gian đầu, do chưa có ý thức và thói quen tiết kiệm điện, đèn lúc nào cũng để điện sáng trưng dù không sử dụng.

Để giúp công nhân ý thức và hình thành thói quen tiết kiệm điện, bác Lương dán vào những ổ điện dòng chữ: “Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng điện”.

Nhờ những dòng chữ ngắn ngủi ấy, dần dần tình hình có sự chuyển biết theo chiều hướng tốt hơn và mọi người đã quen “ra tắt vào mở”, góp phẩn giảm tiêu hao điện trong gia đình.

Trưởng thôn 9 Nguyễn Văn Thành tâm sự: “Lúc chuẩn bị triển khai chương trình tiết kiệm điện, tôi lo lắm, vì đồng bào chưa biết tiết kiệm điện, chưa mạnh dạn đổi mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cũng rất cao nên bà con còn e ngại, nhưng khi thấy được lợi ích do tiết kiệm điện đem lại, mỗi tháng giảm chi phí từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, bà con rất hoan nghênh, từ đó hầu như gia đình nào cũng tham gia nhiệt tình”.

Ông Đặng Thanh Bình, Phó Giám đốc Điện lực Lâm Hà cho biết: “ Việc tiết kiệm điện trên địa bàn Lâm Hà thời gian gần đây có những thay đổi tích cực, không chỉ doanh nghiệp, các hộ dân, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực tiết kiệm điện. Trong năm 2013, ước tính trên địa bàn Lâm Hà tiết kiệm điện khoảng 1,9% với điện thương phẩm”

Theo Viết
MỚI - NÓNG