Đóng bảo hiểm 15 năm có thể được hưởng lương hưu

Tương lai, có thể chỉ cần đóng BHXH 10 năm cũng được hưởng lương hưu.
Tương lai, có thể chỉ cần đóng BHXH 10 năm cũng được hưởng lương hưu.
TPO - Đề án cải cách chính sách BHXH có đề xuất thay vì phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu khi tới tuổi, có thể giảm xuống còn 15 năm và sau đó là 10 năm.

Theo kế hoạch, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII họp vào tuần tới, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được đưa ra bàn thảo, trong đó sẽ có những định hướng về chính sách BHXH thời gian tới.

Hưởng BHXH 1 lần chỉ được rút phần mình đóng?

Theo đó, chính sách BHXH có thể sẽ có những cải cách tổng thể, hoặc điều chỉnh bổ sung. Nhưng dù với phương án nào, tinh thần chung của đề án vẫn nhằm tập trung mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Trong các nội dung cơ bản của Đề án cải cách chính sách BHXH, có đề xuất giảm điều kiện về năm tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo đó, thay vì phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu khi tới tuổi, có thể giảm xuống còn 15 năm và sau đó là 10 năm.

Đồng thời, nếu người lao động nghỉ việc và rút BHXH một lần, sẽ chỉ được rút phần tiền mình đóng góp, còn phần doanh nghiệp đóng góp, hoặc nhà nước hỗ trợ sẽ không được hưởng, số tiền này sẽ được đưa vào quỹ chung.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Đề án cải cách chính sách BHXH đang trong thời gian hoàn thiện, nên cũng chưa nói được gì nhiều. Để xây dựng đề án, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH cùng các đơn vị liên quan đã thực hiện khảo sát, đánh giá, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và người dân để xây dựng.

Về những băn khoăn trong quy định về chế độ BHXH một lần, ông Nam cho rằng, thời gian qua, số người lao động hưởng BHXH một lần rất cao. Vì vậy, việc người lao động khi nghỉ hưu không có lương hưu đặt ra thách thức với bảo đảm an sinh xã hội của nhà nước.

Do đó, theo ông Nam, dự kiến năm 2018-2019, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách BHXH một lần (về quyền lợi và trách nhiệm của người lao động. Từ đó, đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, nhằm đảm bảo người lao động thuận lợi trong tiếp cận chính sách, có tích lũy, gắn với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Những thay đổi lớn

Trước đó, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, Đề án cải cách chính sách BHXH sẽ có một số nội dung lớn, như xây dựng BHXH đa tầng, với 3 tầng chủ yếu, gồm: Tầng an sinh - do nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để đảm bảo lương hưu xã hội; tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, áp dụng với những người lao động; tầng thứ ba là BHXH bổ sung - thực hiện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho người lao động, chủ sử dụng lao động đóng thêm để hưởng lương hưu cao hơn.

Thứ hai, sẽ xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm. Hiện, Luật BHXH đang quy định người lao động có thời gian đóng BHXH 20 năm sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên trên thực tế, có những người đã tham gia 10 hoặc 15 năm rồi nhưng không có khả năng tiếp tục tham gia đóng BHXH, và sẽ không được hưởng chế độ lương hưu - là rất thiệt thòi. 

Do đó, trong lần cải cách chính sách BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH đang tính toán theo lộ trình, trước mắt có thể giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm đủ điều kiện hưởng lương hưu; sau khi áp dụng, sẽ tiếp tục tính toán phương án có thể giảm xuống mốc 10 năm đóng BHXH. Nguyên tắc đóng - hưởng vẫn được duy trì (đóng ít hưởng ít, đóng ngắn hưởng ngắn).

Thứ ba, tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách cũng như tính linh hoạt trong thực hiện chính sách BHXH.

Thứ tư, cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin cho người tham gia BHXH.

Thứ năm, đẩy nhanh quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức để gia tăng số người tham gia BHXH.

Nâng tuổi nghỉ hưu?

Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng là một phần của đề án trên. Với vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, thay đổi này có sức ảnh hưởng lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, nên cần Trung ương quyết định, sau đó Chính phủ mới trình xem xét sửa đổi Luật Lao động, Luật BHXH.

Theo ông Dung, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu với nữ lên 60, nam lên 62 hoặc 65 tuổi, với lộ trình tăng dần mỗi năm thêm 3-4 tháng.

Ông Trần Hải Nam cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được đưa ra xem xét từ những năm sửa đổi Bộ Luật lao động 2012, Luật BHXH 2014. Sau đó, khi luật ban hành, độ tuổi nghỉ hưu vẫn không đổi.

Tới nay, theo ông Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án khác nhau. Do đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ra sao Trung ương và Quốc hội sẽ cho ý kiến, sau đó mới xem xét đưa vào sửa đổi trong Bộ Luật Lao động tới đây.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - Đào Việt Ánh cho biết, quan điểm của BHXH Việt Nam khi tham gia Đề án cải cách chính sách BHXH, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần cân nhắc trên nhiều yếu tố. Trong đó có tuổi thọ của người Việt, điều kiện kinh tế - xã hội, nhân lực, năng suất lao động, bình đẳng giới, cân đối Quỹ BHXH…

“Các cơ quan đang trong quá trình thảo luận, xem xét trên nhiều yếu tố, không chỉ xem xét tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên yếu tố cân đối quỹ hưu trí”, ông Ánh nói.

MỚI - NÓNG