Khi Quỹ BHXH nguy cơ mất cân đối, cần ngồi lại tìm giải pháp phù hợp

BHXH Việt Nam khẳng định không có chuyện vỡ quỹ
BHXH Việt Nam khẳng định không có chuyện vỡ quỹ
TPO - Th.S Dương Ngọc Ánh, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông, BHXH Việt Nam cho biết, chính sách về bảo hiểm là nền tảng an sinh xã hội cơ bản nhất của bất kỳ quốc gia nào. Chính vì vậy, ngay cả khi quỹ bảo hiểm có nguy cơ mất cân đối, nhà quản lý sẽ phải ngồi lại với nhau để đưa ra những chính sách phù hợp.

Ngày 17/4, BHXH Việt Nam cùng Trường ĐHKHXH&NV tổ chức hội thảo khoa học truyền thông về chính sách BHXH và BHYT, thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả.

Theo BHXH Việt Nam, so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đề ra, là phấn đấu đến năm 2020 có 50% số người tham gia BHXH, 35% số lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mục tiêu phấn đấu đến 2020 phải đạt 90% dân số có BHYT mà Chính phủ đề ra, hiện vẫn còn khoảng cách rất lớn bởi tỷ lệ người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chưa cao.

Cũng theo bà Dương Ngọc Ánh, nhận thức của học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh, sinh viên về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2016 tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 92,5%, với khoảng 15.9 triệu HSSV. Đáng chú ý nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng khi liên tục có số HSSV tham gia với tỷ lệ cao hơn 90%, như Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM…

Cùng với đó, nhận thức của các nhà trường về trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cho học sinh, sinh viên ngày càng tốt hơn. Các nhà trường chủ động hơn trong việc nghiên cứu, nắm bắt và tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến học sinh, sinh viên.

Theo bà Ánh, nguồn quỹ BHYT đang giữ vai trò chủ yếu trong nguồn kinh phí hoạt động của y tế trường học với khoảng 82%, trong khi phần chi từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 18%. BHYT đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với công tác y tế trường học cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV.

PGS.TS Lê Thanh Bình (Học viện Ngoại giao) cho biết, lĩnh vực BHXH, BHYT ở Việt Nam mới hình thành phát triển được mấy chục năm nên rất khó so sánh với những nước phát triển cao, có nền bảo hiểm ra đời đã hàng trăm năm.

Ở mỗi quốc gia có cách phân loại BHYT khác nhau, như Nhật Bản, BHYT bao gồm cả các chính sách bảo hiểm ngắn hạn là ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp và khám chữa bệnh. Chế độ BHXH chỉ hai loại là bảo hiểm y tế và bảo hiểm hưu trí. Còn tại Na Uy, mọi thông tin liên quan đến hoạt động của quỹ phúc lợi quốc gia, quỹ hưu trí đều được cung cấp chi tiết và trình bày tho cách dễ hiểu nhất trên trang web BHXH.

Ở Việt Nam, BHXH bao gồm các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bên cạnh đó là BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Để được thanh toán 100% các chi phí phát sinh do sự kiện bảo hiểm gây ra, người tham gia sẽ đóng thêm một số tiền nhất định cho công ty bảo hiểm.

Để thực hiện có hiệu quả, theo ông Bình, việc triển khai công tác thông tin truyền thông chính sách BHXH BHYT đối với đông đảo nhân dân, người lao động là khâu đột phá không chỉ dừng lại ở việc tổ chức phổ biến, quảng bá, giải thích những điểm mới về chính sách, mà còn hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức của người dân.

MỚI - NÓNG