Đội vốn khủng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hàng loạt dự án đầu tư công tại TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân, phát triển kinh tế xã hội của các địa phương mà còn gây lãng phí rất lớn đến nguồn lực đầu tư từ ngân sách…

16 dự án “ngốn” thêm 6.600 tỷ đồng

Vừa qua, UBND TPHCM đã đề xuất và được HĐND TPHCM thông qua về việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện đối với 16 dự án cầu đường, trường học, cải tạo kênh rạch với tổng kinh phí hơn 6.600 tỷ đồng. Trong đó, nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư gấp đôi, gần gấp ba so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Đội vốn khủng ảnh 1

Cầu Vàm Cái Sứt (Đồng Nai) thi công chậm tiến độ do thiếu mặt bằng

Công trình tăng vốn nhiều nhất là dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (TP Thủ Đức) nhằm giảm ùn tắc cho cảng Cát Lái. Dự án được khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, đến nay dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 với một số hạng mục cầu vượt, hầm chui. Giai đoạn 2 của dự án mới hoàn thành cầu Mỹ Thủy 3 và ngưng đến nay. Việc chậm trễ nói trên kéo theo tổng mức đầu tư của dự án ban đầu từ hơn 1.998 tỷ đồng đã tăng lên hơn 3.600 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành kéo dài đến năm 2025.

Đội vốn khủng ảnh 2

Dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 ở Bình Dương thi công chậm. Ảnh: H.C

Theo báo cáo của UBND TPHCM, lý do điều chỉnh vốn do dự án chậm tiến độ vì ảnh hưởng của công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và giải phóng mặt bằng.

Dự án này được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM phê duyệt vào năm 2015. Giai đoạn 1, dự án đầu tư nút giao thông Mỹ Thủy theo dạng nút giao khác mức với tổng mức đầu tư 837 tỷ đồng, khởi công vào tháng 6/2016, giai đoạn 2 khởi công vào tháng 2/2020. Hiện nay, công trình đã hoàn thành, đưa vào nghiệm thu và khai thác một số hạng mục của giai đoạn 1 gồm cầu Kỳ Hà 3, nhánh cầu vượt trên đường Vành đai 2, hầm chui rẽ trái từ đường Vành đai 2 đi Cát Lái và giai đoạn 2 là cầu Mỹ Thủy 3. Các hạng mục còn lại của giai đoạn 1 là đường nhánh phía bờ tả và bờ hữu rạch Mỹ Thủy đang tạm ngừng thi công. Các hạng mục của giai đoạn 2 gồm cầu Kỳ Hà 4, nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ đi cảng Cát Lái và cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ chưa phê duyệt thiết kế và triển khai do chưa có mặt bằng.

Ngoài dự án nút giao Mỹ Thủy, các dự án còn lại được HĐND TPHCM thông qua gồm các dự án giao thông, trường học, cải tạo kênh rạch phải tăng vốn đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, TPHCM hiện có 75 dự án không đảm bảo thời gian thực hiện, trong đó có 67 dự án vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB).

Điệp khúc “vướng mặt bằng”

Tại tỉnh Bình Dương có hàng loạt dự án đầu tư công rơi vào tình trạng “ngủ đông” do vướng GPMB. Dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài với tổng mức đầu tư 119 tỷ đồng do UBND TP Dĩ An làm chủ đầu tư đã triển khai từ năm 2020 nhưng đang vướng công tác GPMB. Dự án thành phần Xây dựng đường dẫn vào cầu phía Bình Dương thuộc Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) phải tạm ngừng thi công. Dự án được khởi công năm 2021 nhưng hiện tại UBND thị xã Tân Uyên mới ban hành kế hoạch thu hồi đất, đo đạc, kiểm đếm và thông báo thu hồi đất.

Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 29 dự án đầu tư từ ngân sách sẽ khởi động xây dựng nhưng đến nay chưa có dự án nào được khởi công. Hiện tại, có 3 dự án đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp; 2 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp và 24 dự án đang thực hiện công tác lập, thẩm tra phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán.

Trong khi đó tại tỉnh Đồng Nai, cầu Vàm Cái Sứt - một hạng mục trên tuyến hương lộ 2 nối quốc lộ 51 với đường cao tốc TPHCM - Long Thành- Dầu Giây khởi công xây dựng từ tháng 10/2020 và dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2022 nhưng đến nay mới đạt 60% khối lượng và đang thi công cầm chừng để chờ giao mặt bằng. Dự án chống ngập khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan (TP Biên Hòa) đã được ký hợp đồng xây lắp từ cuối năm 2020 nhưng đến nay tiến độ giải ngân vốn là bằng 0 vì dự án chưa thể thi công do chưa có mặt bằng khiến nhiều khu vực ở phường Long Bình Tân thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu UBND các địa phương có dự án phải có văn bản cam kết tiến độ bồi thường, rút ngắn tối đa thời gian trong từng khâu, từng bước. “Kết quả giải ngân từng dự án là được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm của các lãnh đạo sở ngành, địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG