Sẽ ảnh hưởng đến bản chất tội phạm
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính - ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết, dự thảo Bộ luật có 427 điều, trong đó giữ nguyên 17 điều, bổ sung 47 điều, sửa đổi 361 điều và bãi bỏ 7 điều so với văn bản hiện hành. Với dự thảo này, các chuyên gia pháp lý nhận định, đã xuất hiện khá nhiều nội dung mới, đặc biệt là chuyện chuyển hình thức phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù giam.
Ông Hoàn công bố nhiều ý kiến đồng thuận chuyện đổi hình phạt tiền sang tù, trong trường hợp người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt. Theo luồng quan điểm này, việc bổ sung cơ chế trên để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Trong khi, chờ đợi để xử lý tội không chấp hành án quá lâu, lại không hiệu quả và thực tiễn cho thấy, có quá ít tội phạm này bị đưa ra xét xử.
Không đồng tình với những ý kiến trên, luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: “Tại Bộ luật Hình sự hiện hành, quy định một số tội danh được áp dụng hình phạt phụ bằng tiền. Tôi cần nhấn mạnh, đây là hình phạt phụ. Vậy câu chuyện là, nếu chuyển hình phạt phụ thành hình phạt chính, lấy căn cứ nào về mặt định lượng để chuyển hóa”.
Luật sư Đăng dẫn chứng, giả thiết hai công dân cùng tham gia đánh bạc, với tính chất, mức độ phạm tội… tương tự. Hai bị cáo này sau đó cùng bị tuyên phạt 4 năm tù và 5 triệu đồng. Ở đây, mức án 4 năm tù được coi là hình phạt chính, 5 triệu đồng được coi là hình phạt phụ, bổ sung. Sau 4 năm, một bị cáo chấp hành xong hình phạt và nộp tiền, đồng nghĩa với việc họ đã thụ án xong, nhưng người còn lại, vì một lý do nào đó chưa nộp đủ tiền. Nếu chuyển đổi cho họ sang án tù tương ứng với số tiền 5 triệu kia, nghĩa là người này sẽ bị cộng thêm án. Vậy thử hỏi, có còn giữ được đúng tính chất và hành vi phạm tội hay không, hay đã chuyển hóa thành một dạng tội phạm khác.
Phải mở thêm một phiên tòa?
Bàn về nội dung này, luật sư Hằng Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội) lập luận, nếu chúng ta đồng ý cho chuyển đổi từ hình phạt tiền sang tù, vô hình trung, hệ thống luật hình sự sẽ không còn “hình phạt phụ”. Trong pháp luật hiện hành, hình phạt tiền ở một số tội là hình phạt chính, hay chăng, áp dụng theo hướng không áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền để tăng tính răn đe, chứ không thể chuyển đổi. Một điều nữa, nếu họ không nộp, sẽ không được xóa án tích, đây chính là yếu tố ràng buộc, tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ để hoàn thành bản án.
“Người ta có bị tù đâu mà áp dụng. Chả lẽ phải tổ chức một phiên tòa khác để chuyển đổi từ tiền sang tù. Ví dụ, trong một phiên tòa đánh bạc, có người chỉ bị áp dụng hình phạt tiền, bởi tính chất hành vi chưa đến mức bị tuyên phạt tù, nhưng nếu cứ áp dụng chuyển họ sang tù là không đúng bản chất vụ việc” - luật sư Hằng Nga lý giải.
Cần bám sát quyền con người
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, sau khi lắng nghe các ý kiến tham góp ý. Theo Bộ trưởng, cần rà soát lần nữa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, nhất là phải đảm bảo “tuổi thọ” cho Bộ luật.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, nhiều chuyên gia pháp lý phân tích, mặc dù chế định chuyển đổi nhận được sự ủng hộ của phần lớn dư luận, song có điểm dở là đi ngược lại với quyền con người. Nghĩa là, công dân sẽ bị áp dụng hình thức xử lý nặng hơn, đang không tù thành bị tù.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính – bà Nguyễn Thị Kim Thoa nói thêm, việc bổ sung quy định này cần hết sức cân nhắc, đây là chuyển đổi hình phạt theo hướng nặng hơn. Ngoài ra, liên quan đến tiêu chí, điều kiện chuyển đổi, chúng ta cũng cần xem xét kỹ lưỡng đến tỷ lệ chuyển đổi, nhất là với những bản án không áp dụng hình phạt tù.
“Thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi như nào cần phải được làm rõ. Ngoài ra, cần xem xét đến mối quan hệ giữa quy định này với những chế định khác trong Bộ luật Hình sự, ví dụ ở tội Không chấp hành án và các quy định của Luật Thi hành án dân sự” - bà Thoa nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia pháp lý phân tích, mặc dù chế định chuyển đổi nhận được sự ủng hộ của phần lớn dư luận, song có điểm dở là đi ngược lại với quyền con người. Nghĩa là, công dân sẽ bị áp dụng hình thức xử lý nặng hơn, đang không tù thành bị tù.