Độc đáo 'phiên chợ điện tử' của thanh niên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong “phiên chợ điện tử”, các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên trở thành những streamer (người phát nội dung trực tiếp trên Internet) tự tin lên sóng giới thiệu, quảng bá bán các sản phẩm OCOP, của các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Khi cán bộ Đoàn lên sóng bán hàng

Lần đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thắm - Bí thư Đoàn xã Kim An (huyện Thanh Oai) cùng với 2 bạn trẻ livestream (phát trực tiếp) bán ổi cho bà con nông dân địa phương. Dù có thâm niên tham gia công tác Đoàn, tự tin đứng trước đám đông, nhưng đứng trước điện thoại phát sóng trực tiếp, chị Thắm không khỏi bỡ ngỡ.

Độc đáo 'phiên chợ điện tử' của thanh niên ảnh 1

Đoàn Xã Kim An livestream bán ổi Kim An cho bà con nông dân

Buổi livestream được chuẩn bị công phu với điện thoại, dụng cụ ghi hình phát sóng, cùng với việc bài trí những giỏ ổi tươi rói, các hộp quà, cốc nước ép ổi bắt mắt để giới thiệu cho khách hàng và phát sóng trên fanpage: Đoàn Thanh Niên Xã Kim An.

Trong trang phục áo xanh tình nguyện, chị Thắm cười tươi mở đầu phiên chợ điện tử: “Chào mừng quý vị và các bạn đến với phiên livestream của Đoàn xã Kim An. Chúng tôi rất vui mừng khi được đồng hành các bác, các cô, chú, anh, chị, và các bạn trong phiên livestream bán sản phẩm ổi Kim An - một nông sản nổi tiếng của xã Kim An nói riêng và huyện Thanh Oai nói chung”.

Tiếp đó, 2 bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) giới thiệu về giống ổi Kim An, hàm lượng dinh dưỡng, nguồn gốc, xuất xứ,… Buổi livestream nhanh chóng nhận được sự tương tác của người xem và những bình luận, đặt hàng rất tích cực của khách hàng trên sóng trực tuyến, với hơn 10.000 lượt xem.

Chị Nguyễn Thị Thắm chia sẻ, bản thân khá hồi hộp, không biết nói thế nào trước ống kính livestream, nhưng may mắn nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của người xem nên mọi lo lắng tan biến. “Từ thành công của buổi livestream này, chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục livestream, quảng bá các sản phẩm có thương hiệu khác như: lá dong truyền thống của đất Kim An và nhiều mặt hàng khác, để đưa nông sản Kim An tiếp cận đến đông đảo khách hàng ở nhiều vùng, miền”, chị Thắm nói.

Giữa tháng 3/2024, Huyện Đoàn Phú Xuyên tổ chức “phiên chợ điện tử” điểm cấp huyện, với sự tham gia livestream của 5 Bí thư Đoàn xã trên địa bàn huyện. Buổi livestream bán các sản phẩm của các làng nghề truyền thống, như: giày da, kẹo lạc, đồ gỗ, mỹ nghệ, túi xách. Chương trình đã nhận được 13.000 lượt theo dõi, hơn 2.000 lượt bình luận và bán được hàng trăm sản phẩm. ĐVTN hỗ trợ giao hàng miễn phí cho các đơn hàng đặt trong phiên livestream.

Chị Nguyễn Thị Ánh - Bí thư Huyện Đoàn Phú Xuyên cho biết, để chuẩn bị cho buổi livestream, trước đó, Ban Thường vụ Huyện Đoàn xây dựng đề án chi tiết, kết nối với chính quyền địa phương và tập huấn cho ĐVTN nói trước ống kính để rèn kỹ năng, sự tự tin. Hiện Phú Xuyên có 43 làng được công nhận làng nghề truyền thống, việc tổ chức “phiên chợ điện tử” rất ý nghĩa trong việc quảng bá sản phẩm, làng nghề truyền thống của địa phương. Nhiều bạn trẻ khi xem phiên livestream xong bày tỏ bất ngờ khi biết quê hương Phú Xuyên có nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo như vậy”, chị Ánh chia sẻ.

Bí thư Huyện Đoàn Phú Xuyên cho biết, phiên livestream điểm cấp huyện giúp các bạn ĐVTN trên địa bàn huyện học hỏi kinh nghiệm trong việc tổ chức các livestream giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của quê hương Phú Xuyên tới người tiêu dùng. Sau phiên livestream của Huyện Đoàn, Đoàn Xã Sơn Hà tổ chức khoá học 3 ngày nâng cao kiến thức bán hàng trực tuyến cho thanh niên trong xã. Khoá học cung cấp các bạn kỹ năng thực hành viết nội dung quảng cáo theo các dạng, ứng dụng AI để viết bài quảng cáo chuyên nghiệp, làm video nâng cao, lên kịch bản livestream,…

Tổ chức xuyên suốt năm 2024

Mô hình “phiên chợ điện tử” livestream bán sản phẩm OCOP được Thành Đoàn Hà Nội triển khai từ tháng 3/2024, với mong muốn phát huy vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên trong ứng dụng chuyển đổi số, đồng thời là hoạt động cụ thể hóa chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2024, Thành Đoàn - Hội LHTN TP Hà Nội chỉ đạo các cơ sở Đoàn trực thuộc, kết hợp với Hội Nông dân tổ chức “phiên chợ điện tử” nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP của nông dân và thanh niên địa phương.

Chương trình đặt mục tiêu, mỗi tháng, mỗi xã sẽ tổ chức một “phiên chợ điện tử”, đạt doanh thu tối thiểu 3 triệu đồng/phiên livestream. Các đơn vị khối, quận không có sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề sẽ livestream hỗ trợ bán cho các đơn vị, xã khác. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn - Hội kết nối với các chuyên gia, đơn vị tổ chức các buổi tập huấn cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận với xu hướng bán hàng mới, cũng như phát triển kỹ năng bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, làm chủ “phiên chợ điện tử”.

Anh Tiến cho biết, hiện đã có 9 huyện trên địa bàn Thủ đô triển khai các phiên livestream bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề của địa phương. Trong đó, Huyện Đoàn Thanh Oai là đơn vị có nhiều phiên livestream nhất hiện nay, với 19/21 xã tổ chức livestream. Trong tháng 4, tháng 5 này, tiếp tục có 10 quận, huyện tổ chức các “phiên chợ điện tử” bán hàng.

“Chương trình “phiên chợ điện tử” là mô hình mới của tuổi trẻ Thủ đô, sẽ tổ chức xuyên suốt năm 2024. Mô hình này không chỉ giúp bạn trẻ tiếp cận, nâng cao kỹ năng và làm chủ xu hướng bán hàng trực tuyến, trên các sàn thương mại điện tử mà còn phát huy vai trò xung kích, đồng hành của thanh niên trong quảng bá, cũng như tăng doanh số bán sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống Thủ đô”.

Anh Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP Hà Nội

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.