Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách cho doanh nghiệp hỗ trợ phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều sản phẩm cơ khí được chế tác tinh xảo của nhiều doanh nghiệp trong nước đã được đối tác nước ngoài đặt hàng, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…

Ngày 28/2, tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Cục Công nghiệp Bộ Công thương, Sở Công thương TPHCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Nguyễn Ngô Long - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Nhật Long - cho biết, công ty định hướng đầu tư mạnh vào trang thiết bị sản xuất hiện đại, cải thiện quy trình hoạt động hiệu quả, kiên trì với mục tiêu sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh so với các linh kiện phụ tùng nhập khẩu. Các sản phẩm về linh kiện phụ tùng không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách cho doanh nghiệp hỗ trợ phát triển ảnh 1

Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu tham quan các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chia sẻ bí quyết tham gia vào chuỗi cung ứng, ông Nguyễn Văn Trí - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, doanh nghiệp chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao - cho biết, hiện đã xuất khẩu khuôn mẫu sang Mỹ cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe hơi, trước đó còn có xuất khẩu sản phẩm sang Pháp, Đức, Ý…

“Muốn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như vậy, ngoài “bệ đỡ” là sự hỗ trợ từ TPHCM tiếp cận vốn để xây dựng nhà máy, chúng tôi còn phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao nhưng có giá thành rẻ mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của các quốc gia, được đối tác tin tưởng đặt hàng” - ông Trí chia sẻ.

Là đơn vị kết nối các doanh nghiệp ngành sản xuất, chế tạo, bà Bùi Thị Hồng Hạnh - Giám đốc điều hành NC Network - cho rằng, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...

“Hiện nay số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ dù tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt… Đặc biệt, trong bối cảnh cơ hội tham gia chuỗi cung ứng rất nhiều nhưng rủi ro và khủng hoảng đang rất cao, nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì “ngủ đông” đến quý III/2023 để có quyết định đầu tư. Do đó, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế, đào tạo, tài chính, phát triển thị trường” - bà Hạnh nói.

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều chính sách cho doanh nghiệp hỗ trợ phát triển ảnh 2

Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Điện Quang.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho biết, công nghiệp thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế thành phố (chiếm khoảng 18% GRDP). Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

“Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong sản xuất” - ông Châu khẳng định.

Nói về chương trình hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ của TPHCM, ông Trần Anh Hào - Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp Sở Công thương TPHCM cho biết, từ năm 2015, thành phố đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, là nền tảng cho tỷ lệ nội địa hóa của thành phố luôn đạt trên 50%.

MỚI - NÓNG