Doanh nghiệp & công nhân

Doanh nghiệp & công nhân
TP - Câu chuyện những ký túc xá, chung cư mới xây của hàng ngàn công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM gợi nhớ lại hình ảnh những khu nhà tập thể của 30 năm về trước.

Khi mọi thứ trong xã hội được vận hành theo một guồng quay khổng lồ gọi là “nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung”, nói nôm na là “thời bao cấp”. Hồi đó, có một khái niệm mà chỉ người đã trải qua mới hiểu: đi “thoát ly”. Nghĩa là rời bỏ con trâu cái cày, ruộng vườn quê nhà, đi làm cho Nhà nước, ăn cơm căng-tin, ở nhà tập thể.

Cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khắp nơi trên đất nước ta phổ biến những căn hộ chung cư, ngoài Bắc lúc ấy gọi là nhà tập thể, do nhà máy, công ty nhà nước quản lý. Kèm theo đó là nhà trẻ, trạm xá xí nghiệp.

Cô nuôi dạy trẻ (không gọi là bảo mẫu như thời kinh tế thị trường sau này) hay y sỹ trạm xá là người của nhà máy, xí nghiệp, ăn lương nhà máy như bao công nhân khác.

Rồi đất nước chuyển dần sang nền kinh tế thị trường, Công ty, xí nghiệp dần được cổ phần hóa hoặc chuyển đổi hay giải thể. Các khu tập thể công nhân dần mất.Nền kinh tế chuyển mình mạnh mẽ, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, nhiều người giàu lên nhanh chóng. Ô tô, xe máy ngày một nhiều hơn.

Tuy nhiên, đời sống công nhân xem ra không còn được như xưa nữa. Chẳng còn khái niệm nhà tập thể, trạm xá công ty, nhà trẻ xí nghiệp. Giờ đây, không có nhà tập thể, họ phải đi thuê trọ, lưu trú trong những căn phòng tồi tàn nhỏ hẹp, xây dựng không theo tiêu chuẩn gì nhưng tiền thu hằng tháng gần bằng một nửa suất lương.

Con cái họ cũng không dám mơ có một nơi sinh hoạt trong khi cha mẹ vào ca, chúng đành vất vưởng tại những điểm trông giữ trẻ, để rồi gặp không ít tai ương vì những bà bảo mẫu thiếu lương tâm hay ít hiểu biết…

Trong bối cảnh ấy, chuyện một số công ty, tập đoàn ở Đồng Nai như Phong Thái, Formosa, hay một vài công ty nhỏ ở TPHCM bỏ tiền đầu tư ký túc xá, chung cư khép kín, xây trạm xá, nhà giữ trẻ cho công nhân của mình là hướng đi mới.

Có thể nói, giữ chân người lao động, để họ gắn bó với công ty bằng việc chăm lo nơi ăn chốn ở, đời sống riêng tư đang manh nha nhen nhóm tại một số doanh nghiệp. “Chăm lo sát sườn đời sống người lao động là cách tốt nhất để giữ chân họ”, một giám đốc doanh nghiệp ngộ ra thực tế đó.

Cái cách giữ chân người lao động như vậy rất đáng được khuyến khích, vì doanh nghiệp đang hướng đến sự phát triển bền vững, dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi: Người lao động yên tâm làm việc khi đời sống được đảm bảo thì năng suất, chất lượng lao động tăng lên, gắn bó với doanh nghiệp hơn.

Bài toán giản đơn và đầy nhân bản ấy may sao các ông chủ DN thời nay đang hướng đến và nhân rộng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG