Theo cuộc đánh giá lớn nhất thế giới về lĩnh vực này, “thực phẩm siêu chế biến” (UPF) có liên quan trực tiếp đến 32 tác động có hại cho sức khỏe, bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, tiểu đường, sức khỏe tâm lý và tử vong sớm.
Mức tiêu thụ của các UPF như ngũ cốc, thanh protein, đồ uống có ga, đồ ăn vặt và đồ ăn nhanh trên toàn cầu đang ngày càng tăng nhanh. Ở Anh và Mỹ, hơn một nửa khẩu phần ăn trung bình hiện nay bao gồm thực phẩm đã qua chế biến sẵn. Đối với một số người, đặc biệt là những người trẻ hơn hoặc đến từ các vùng khó khăn, chế độ ăn của họ bao gồm tới 80% UPF.
Nghiên cứu này, được công bố trên tạp chí y học BMJ của Anh và có gần 10 triệu người tham gia, cho thấy chế độ ăn có hàm lượng UPF cao có thể gây hại đến nhiều yếu tố sức khỏe. Các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả cuộc đánh giá nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp nhằm giảm thiểu mức độ tiếp xúc với UPF.
Cuộc đánh giá có sự tham gia của các chuyên gia từ một số tổ chức hàng đầu, bao gồm Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ), Đại học Sydney (Úc) và Đại học Sorbonne (Pháp). Viết trên BMJ, họ kết luận: “Nhìn chung, thực phẩm chế biến sẵn có mối liên quan trực tiếp đến 32 thông số sức khỏe bao gồm tỷ lệ tử vong, ung thư và các kết quả về sức khỏe tâm lý, hô hấp, tim mạch, tiêu hóa và trao đổi chất”.
Thực phẩm siêu chế biến, bao gồm đồ ăn nhẹ đóng gói, đồ uống có ga, ngũ cốc có đường và các món ăn liền, đã đi qua nhiều quy trình công nghiệp và thường chứa phẩm màu, chất nhũ hóa, hương vị và các chất phụ gia khác. Những sản phẩm này cũng có xu hướng chứa nhiều đường, chất béo và/hoặc muối nhưng lại ít vitamin và chất xơ.
Đồ ăn chế biến sẵn thường chứa nhiều chất phụ gia nhưng lại không đủ chất dinh dưỡng (Ảnh minh họa). |
Các nghiên cứu trước đây đã liên hệ UPF với tình trạng sức khỏe kém, nhưng chưa có đánh giá nào đưa ra bằng chứng diện rộng trong lĩnh vực này. Để lấp đầy khoảng trống này, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc đánh giá chung - một bản tóm tắt bằng chứng - gồm 45 phân tích riêng biệt từ 14 bài báo học thuật liên hệ UPF với các kết quả tiêu cực lên sức khỏe.
Nhìn chung, kết quả cho thấy mức độ tiếp xúc với UPF cao luôn có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc 32 tác hại sức khỏe, BMJ báo cáo. Bằng chứng thuyết phục cho thấy lượng UPF hấp thụ cao có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng khoảng 50%, nguy cơ lo lắng và rối loạn tâm thần lên 48 đến 53% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên 12%.
Cũng có bằng chứng về mối liên quan giữa UPF và bệnh hen suyễn, sức khỏe đường tiêu hóa, một số bệnh ung thư và các nguy cơ chuyển hóa tim, chẳng hạn như lượng mỡ trong máu cao và mức cholesterol “tốt” thấp, tuy nhiên các nhà nghiên cứu cảnh báo bằng chứng về những mối liên hệ này vẫn còn hạn chế.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận một số hạn chế trong đánh giá chung, bao gồm việc họ không thể loại trừ khả năng một số yếu tố không được đo lường và sự khác biệt trong việc đo lường lượng UPF tiêu thụ có thể đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, tiến sĩ Chris van Tulleken, phó giáo sư tại Đại học London và là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về UPF, cho biết những phát hiện này “hoàn toàn nhất quán” với “một số lượng lớn các nghiên cứu độc lập hiện nay về mối liên hệ rõ ràng giữa chế độ ăn nhiều UPF với nhiều bệnh gây tổn hại đến sức khỏe, bao gồm cả tử vong sớm”.
“Chúng tôi hiểu rõ về cơ chế gây hại của những thực phẩm này. Một phần là do chúng thường chứa nhiều chất béo bão hòa, muối và đường. Chúng được thiết kế để được tiêu thụ quá mức, ví dụ như chúng thường chứa nhiều năng lượng và được tiếp thị cho các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn”, ông giải thích.
Trong một bài xã luận được liên kết, các học giả từ Brazil cho biết, UPF “thường được tạo ra bằng các nguyên liệu rẻ tiền và nhiều chất hóa học” và “tạo ra hương vị ngon miệng và hấp dẫn bằng cách sử dụng sự kết hợp của hương vị, màu sắc, chất nhũ hóa, chất làm đặc và các chất phụ gia khác”. Họ nói thêm: “Bây giờ là lúc các cơ quan của Liên Hợp Quốc cùng với các quốc gia thành viên, phát triển và thực hiện một công ước chung về thực phẩm chế biến sẵn, tương tự như khuôn khổ về thuốc lá”.