Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga:

Điểm thấp nhưng chất lượng thí sinh vẫn cao

Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Phải chờ địa phương xét tốt nghiệp xong mới có kết quả chính thức vì quyền xét tốt nghiệp là của địa phương. Tuy điểm tốt nghiệp thấp nhưng chất lượng thí sinh vẫn cao vì kỳ thi có tới 40% câu hỏi khó để phân loại thí sinh. Phóng viên báo Tiền Phong trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Nhận xét chung của các nhà tuyển sinh là với phổ điểm như hiện nay, các trường sẽ rất khó tuyển. Ông có chia sẻ gì?

Điểm thi năm nay cao hơn  điểm thi đại học (ĐH) năm ngoái vì có 60% là kiến thức cơ bản. Phổ điểm môn thi vì vậy nhích cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh đạt điểm 9-10 ít hơn năm trước. Vì vậy điểm của thí sinh có đủ phân khúc cho các trường từ cao đến thấp và các trường thuận lợi  hơn trong công tác tuyển sinh.

Như vậy có phải 3 điểm cũng tốt nghiệp được như đã giải thích trước đây?

Bây giờ khó nói về điều này vì  thí sinh bị điểm liệt (1 điểm) sẽ trượt tốt nghiệp. Điểm thi còn cộng với điểm học trung bình ở phổ thông mới tính điểm tốt nghiệp nên còn phụ thuộc vào kết quả học phổ thông của thí sinh. Hội đồng xét tốt nghiệp ở địa phương mới quyết định được điều này.

Phải chờ địa phương xét tốt nghiệp xong mới có kết quả chính thức vì quyền xét tốt nghiệp là của địa phương. Tuy điểm tốt nghiệp thấp nhưng chất lượng thí sinh vẫn cao vì kỳ thi có tới 40% câu hỏi khó để phân loại thí sinh.

Thí sinh cho rằng mình đang được biết điểm và xét tuyển một cách tù mù vì chỉ biết điểm của mình mà không biết gì về điểm các thí sinh khác?

Thí sinh không nên bận tâm việc không biết được điểm của thí sinh khác nhưng thí sinh sẽ biết được bao nhiêu bạn trên điểm mình khi thông tin được công bố. Việc cần biết là phán đoán được trường nào ngành nào mình cần nộp cho phù hợp - thí sinh chỉ cần biết trên mình có bao nhiêu người cao điểm hơn ở trên mình.

Có rất ít trường ĐH như Bách khoa HN cho thí sinh đăng ký và thay đổi nguyện vọng trên mạng. Hầu hết các trường yêu cầu thí sinh xem thông tin và đến trường rút hồ sơ trực tiếp. Thí sinh ở Hà Nội có thể 3 ngày đến trường một lần, thí sinh tỉnh ngoài sao làm được?

Các thí sinh chỉ có 1 giấy chứng nhận kết quả tốt nghiệp số 1, nếu không đến rút trực tiếp tại trường ĐH, CĐ thì không thể nộp vào trường khác được. Bộ GD&ĐT đã tạo thuận lợi rất nhiều cho thí sinh và các em phải chấp nhận vài  khó khăn nào đo.

Để tránh rủi ro trượt ĐH và vất vả do rút ra nộp vào liên tục trong 20 ngày của một đợt xét tuyển, ông có lời khuyên hữu ích nào cho thí sinh?

Các em cần phải nghiên cứu kỹ khi chọn nguyện vọng. Cần phán đoán những năm trước trường tuyển ở khoảng điểm nào, năm nay trường công bố ngưỡng nào, cân nhắc điểm thi của mình có phù hợp không, mình có khả năng trúng tuyển không… Nếu lỡ nộp vào trường vượt quá khả năng của mình thì thí sinh phải theo dõi thông tin để kịp thời rút ra nộp trường khác. Nay xét tuyển, nếu không nắm được thông tin, thí sinh sẽ rất thiệt thòi, sẽ không biết được thông tin để phán đoán mình có khả năng đậu hay rớt mà kịp thời rút hồ sơ xét tuyển để nộp sang trường khác.

Cảm ơn ông.

Các trường “chia lửa” công bố điểm thi

Ngày 23/7, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, ông Đỗ Văn Xê, đề nghị Bộ GD&ĐT sửa nội dung logo công bố điểm thi vùng ĐBSCL để thể hiện rõ phần mềm đang được vận hành trên máy chủ của Trường ĐH Cần Thơ. Ông Xê đề nghị Bộ GD&ĐT đưa thêm vào dưới dòng chữ “Bản quyền thuộc về Bộ GD&ĐT” một dòng chữ: “Hệ thống này đang vận hành trên máy chủ của Trường ĐH Cần Thơ”, để người sử dụng không nhầm là hệ thống vận hành trên mạng của Bộ GD&ĐT hoặc của Viettel. “Làm như vậy ngoài việc thể hiện sự minh bạch, công bằng còn giúp Bộ tránh được tai tiếng nếu có trục trặc xảy ra”, ông Xê nói. 

Sáu Nghệ

MỚI - NÓNG
Hà Nội tổng kiểm kê tài sản công
Hà Nội tổng kiểm kê tài sản công
TPO - Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiến hành tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Dự kiến, đến tháng 6/2025 công tác tổng kiểm kê tài sản công sẽ hoàn thành.